Hôm nay, 24/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, năm 2029 sẽ chính thức vận hành thị trường carbon tại Việt Nam.
Theo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động thành lập, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn, định hướng phát triển quốc gia, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà Việt Nam tham gia và xu hướng phát triển thị trường carbon toàn cầu.
Phát triển thị trường carbon theo mô hình tập trung, hoạt động theo nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường.
Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn từ tháng 6 năm 2025 đến hết năm 2028, vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2029 chính thức vận hành sàn giao dịch carbon trong nước. Tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng cho thị trường carbon; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Theo Đề án, việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch carbon trong nước. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.
Việc tổ chức giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện theo phương thức tập trung trên sàn giao dịch carbon.
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn sẽ được cấp mã số trong nước để phục vụ cho việc giao dịch, mã số được cấp là duy nhất và không trùng lắp.
Chủ thể khi tham gia giao dịch trên thị trường carbon tại Việt Nam có tài khoản lưu ký giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tài khoản lưu ký giao dịch tín chỉ carbon. Hoạt động đăng ký, cấp mã số hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được thực hiện tập trung để đảm bảo dữ liệu được thống nhất, đồng bộ và bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát.
Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.
Việc thanh toán giao dịch sẽ do hệ thống tự động thực hiện trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gửi, đảm bảo nguyên tắc việc chuyển giao hàng hóa được thực hiện đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán. Việc thanh toán tiền cho giao dịch trên sàn giao dịch carbon do ngân hàng thương mại đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thực hiện.
Về tổ chức vận hành thị trường carbon: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Để phát triển thị trường carbon, Đề án cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới;
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, triển khai thực hiện Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu và các đề án, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan;
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn các nội dung liên quan đến Đề án;
Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án vào cuối giai đoạn thí điểm và định kỳ 5 năm/lần trong giai đoạn chính thức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan thành lập thị trường carbon trong nước; chủ trì trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương để triển khai thực hiện Đề án theo nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án;
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án thuộc các lĩnh vực có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Căn cứ các nhiệm vụ của Đề án, rà soát các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lập kế hoạch nhiệm vụ cụ thể hàng năm và theo giai đoạn để phát triển thị trường carbon theo chức năng nhiệm vụ được giao, lập nhu cầu vốn ngân sách nhà nước dài hạn và hàng năm để thực hiện Đề án, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo…
Nguồn: https://danviet.vn/nam-2029-chinh-thuc-van-hanh-thi-truong-carbon-tai-viet-nam-so-giao-dich-chung-khoan-ha-noi-duoc-giao-cung-ung-dich-vu-20250124200417859.htm