Ngày 12.2, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trình bày kế hoạch của Washington cho việc chấm dứt xung đột tại Ukraine một cách nhanh chóng nhằm ưu tiên các mối đe dọa khác mà theo lời vị bộ trưởng là an ninh biên giới Mỹ và cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất từ Nhà Trắng đang gây ra những ý kiến tranh cãi từ chính các đồng minh của Mỹ.
Ông Trump điện đàm lãnh đạo Nga và Ukraine, nói có thể gặp ông Putin
Quan điểm đã khác
Phát biểu tại cuộc họp Nhóm liên lạc phòng thủ Ukraine (các nước viện trợ chính cho Kyiv) tại Brussels (Bỉ) ngày 12.2, Bộ trưởng Hegseth khẳng định thông điệp của Mỹ là cuộc xung đột phải chấm dứt và thiết lập nền hòa bình bền vững. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều đó phải đi kèm “đánh giá thực tế về chiến trường”, theo đó, việc giành lại lãnh thổ Ukraine như trước năm 2014, trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, là mục tiêu ảo tưởng.
![Mỹ thay đổi chính sách về Ukraine- Ảnh 1. Mỹ thay đổi chính sách về Ukraine- Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/My-thay-doi-chinh-sach-ve-Ukraine.jpg)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (giữa) tại hội nghị NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 13.2
Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Hegseth cũng không tin rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO là kết quả thực tế của thỏa thuận. Ngoài ra, ông Hegseth đưa ra 2 thông điệp quan trọng khác là Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine để đảm bảo an ninh và châu Âu phải là bên viện trợ chính cho Ukraine. “Mỹ sẽ không chấp nhận một mối quan hệ bất cân bằng khuyến khích sự phụ thuộc nữa. Thay vào đó, mối quan hệ của chúng ta sẽ ưu tiên trao quyền cho châu Âu gánh vác trách nhiệm về an ninh của chính họ”, ông Hegseth nói và đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi nước NATO lên 5%.
Phát biểu tại Nhà Trắng sau đó, Tổng thống Trump ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Hegseth về việc Ukraine gia nhập NATO là phi thực tế, theo AP. “Họ (người Nga) đã nói từ lâu rằng Ukraine không thể vào NATO và tôi đồng ý với điều đó”, Tổng thống Trump nói. Bên cạnh đó, ông cho biết đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai không xa. Ông Trump nói đã nhất trí với nhà lãnh đạo Nga về việc chỉ thị cho quan chức hai nước bắt đầu đàm phán ngay lập tức về Ukraine, đồng thời cho hay hai người có thể gặp nhau tại Ả Rập Xê Út.
![Mỹ thay đổi chính sách về Ukraine- Ảnh 2. Mỹ thay đổi chính sách về Ukraine- Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739482511_348_My-thay-doi-chinh-sach-ve-Ukraine.jpg)
Pháo tự hành Akatsiya của Nga tại miền đông Ukraine (ảnh được công bố ngày 12.2)
ẢNH: BỘ QUỐC PHÒNG NGA/AP
Điện Kremlin xác nhận Ukraine là chủ đề chính của cuộc gọi và bổ sung rằng Tổng thống Putin nhấn mạnh giải quyết “các nguyên nhân gốc rễ của xung đột”. Tổng thống Trump đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay sau đó và chia sẻ thông tin về cuộc gọi với ông Putin cho Kyiv.
Sự nhượng bộ hay nhìn nhận thực tế ?
Theo AP, cuộc điện đàm của ông Trump với ông Putin có thể gửi tín hiệu quan trọng rằng Mỹ và Nga đang gạt Ukraine ra ngoài cuộc đàm phán về xung đột. Đó là sự đảo ngược hoàn toàn chính sách của chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, vốn nhấn mạnh Kyiv phải là một bên đưa ra quyết định. Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý và Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm qua đồng loạt ra tuyên bố Ukraine và châu Âu phải liên quan mọi đối thoại về Ukraine.
Tổng thống Ukraine có đề xuất bất ngờ về lãnh thổ Nga
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc Mỹ đảo ngược chính sách về lãnh thổ Ukraine cũng như loại trừ khả năng trao tư cách thành viên NATO cho nước này là sự nhượng bộ rõ ràng trước những đòi hỏi lâu nay của Nga. “Vì sao chính quyền ông Trump lại trao cho ông Putin những món quà này trước khi bắt đầu đàm phán?”, cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul thắc mắc. Cựu Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng tuyên bố của Mỹ về NATO và việc không điều quân sang Ukraine giống như Washington đang “bỏ rơi” Kyiv.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Stephen Wertheim về chính sách đối ngoại tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (có trụ sở tại Mỹ) phản biện rằng bình luận của ông Hegseth về lãnh thổ Ukraine không phải là sự nhượng bộ trước Nga mà là sự nhìn nhận thực tế. Theo ông Wertheim, các bên đều hiểu Ukraine không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ trong cuộc xung đột này. “Phát biểu của Bộ trưởng Hegseth cũng không hàm ý sẵn sàng công nhận lãnh thổ bị kiểm soát của Ukraine là của Nga về pháp lý”, ông Wertheim lưu ý. Vị chuyên gia còn cho rằng việc làm rõ các giới hạn mục tiêu chiến sự có thể thúc đẩy đàm phán thành công bằng cách báo hiệu với Nga rằng Mỹ có những mục tiêu thực tế.
Về việc gia nhập NATO, tuyên bố gửi tín hiệu đến Ukraine không nên nhấn mạnh vào mục tiêu này trong đàm phán mà nên tập trung vào điều có thể đạt được. “Với sự phản đối cương quyết của Washington, không lãnh đạo nào của Ukraine có thể đạt được tư cách thành viên NATO”, ông Wertheim bình luận.
Trước đó, ông Zelensky cảnh báo về sự nguy hiểm khi phải đàm phán với những đảm bảo an ninh không đủ mạnh. Ông nhấn mạnh đảm bảo an ninh không có Mỹ tham gia là những cam kết yếu. Trả lời phỏng vấn The Economist, ông Zelensky nói nếu không thể vào NATO, Ukraine phải có sức mạnh quân sự tương đương Nga và cần hỗ trợ tài chính, quân sự từ châu Âu và Mỹ. Ông kết luận rằng việc kết nạp Ukraine vẫn là cam kết an ninh “rẻ nhất” cho phương Tây.
Nhà nghiên cứu Á – Âu và Nga Nigel Gould-Davies tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) nhận định khó có khả năng đạt thỏa thuận ngừng bắn bởi trong nhiều tháng qua, Nga nhiều lần nhấn mạnh không đồng ý đóng băng xung đột và chỉ quan tâm đến một giải pháp toàn diện, vốn liên quan nhiều vấn đề chính trị, pháp lý phức tạp. Theo đánh giá mới nhất của IISS, lực lượng Nga đang ở vị thế mạnh hơn trên chiến trường và có đủ nguồn lực để chiến đấu trong ít nhất một năm nữa, trong khi Ukraine vẫn phải dựa vào nguồn hỗ trợ phương Tây và cần cải thiện quản lý quân lực.
Trung Quốc đề xuất tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Nga ?
Tờ The Wall Street Journal hôm qua dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh và Washington tiết lộ Trung Quốc gần đây đề xuất với chính quyền Tổng thống Trump thông qua trung gian việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga, đồng thời tạo điều kiện cho nỗ lực gìn giữ hòa bình sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn hôm qua nói không có thông tin về bài báo này và cho biết Bắc Kinh vui khi thấy Nga và Mỹ tăng cường liên lạc về các vấn đề quốc tế.
Nguồn: https://thanhnien.vn/my-thay-doi-chinh-sach-ve-ukraine-185250213215526565.htm