Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang lo ngại về những chính sách thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan mà chính quyền Trump có thể áp dụng với các quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, ngành cá ngừ Việt Nam đã cán đích ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023.
Trong số các thị trường xuất khẩu cá ngừ, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam với tỷ trọng chiếm hơn 39% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang rất là lo ngại về những chính sách thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan mà chính quyền Trump có thể áp dụng với các quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ sau Thái Lan. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã cho tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng cá ngừ nhập khẩu từ Trung Quốc lên 10% và năm 2019 là lên 25%.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc đang là 1 trong 5 nguồn cung cá ngừ chính cho thị trường Mỹ. Đặc biệt, nước này đang nắm giữ phần lớn thị phần tại phân khúc thị trường loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16 của Mỹ, do các sản phẩm của nước này có giá rẻ. Và việc tăng thuế nhập khẩu đã khiến cho các nhà NK Mỹ phải tìm nguồn cung thay thế với giá cả cạnh tranh hơn, trong đó có Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã có xu hướng tăng lên nhanh chóng.
Mặc dù những năm sau đó xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ bị tác động mạnh của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 vẫn tăng 72% so với thời điểm 8 năm trước.
Theo VASEP, năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng liên tục. Năm qua, trong khi xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trưởng liên tục, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại không ổn định và có xu hướng giảm, đặc biệt trong nửa cuối năm.
Tại phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 3 sau Thái Lan và Mexico. Trong năm qua, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Mexico, tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp dành cho phân khúc dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, dịch vụ ăn uống…), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Mỹ.
Còn tại phân khúc thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS030487 của Mỹ, Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 2 sau Indonesia và trước Thái Lan. Nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Mỹ từ Thái Lan đang giảm, trái lại NK từ Việt Nam và Indonesia đều tăng.
Ngày đầu tiên của tháng 2/2025, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico. Sắc lệnh do ông Trump ký áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2, và 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, đang tạm dừng trong 30 ngày. Quyết định này của ông Trump dự kiến sẽ ảnh hưởng đến giá cá ngừ đóng hộp tại Mỹ. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ có thể bị ảnh hưởng vì các nhà bán lẻ có thể phải tăng giá sản phẩm.
Nhưng điều đáng chú ý là cá ngừ vằn ngâm dầu đóng hộp nhập khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế từ 12,5% đến 35%, trừ khi một quốc gia có thoả thuận được hưởng ưu đãi hoặc giảm thuế khi XK sang thị trường này. Hiệp định Thường mại Mỹ – Mexico – Canada (gọi tắt USMCA), được Trump ký vào năm 2020 vẫn có hiệu lực, theo đó Mexico và Canada được hưởng mức thuế ưu đãi đối với nhiều sản phẩm bao gồm cả cá ngừ. Do đó, nếu như các cuộc đàm phán với Mexico và Canada thất bại, các sản phẩm cá ngừ của 2 nước này, đặc biệt là Mexico, sang Mỹ bị sụt giảm.
Tương tự như vậy, với trường hợp của Trung Quốc, xuất khẩu cá ngừ của nước này sang Mỹ sau khi bị áp thuế bổ sung cũng sẽ bị tác động mạnh.
Theo phân tích của ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là một vấn đề tương hỗ khách quan trong thương mại giữa các nền kinh tế.
Nếu Mỹ hạn chế Trung Quốc thì đương nhiên sẽ phải tăng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh. Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường cá ngừ Mỹ.
Chuyên gia của VASEP dự báo, trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các sản phẩm như tôm, cá tra và cá ngừ.
“Với việc gia tăng nhu cầu từ các thị trường ASEAN và các chính sách thuế quan hỗ trợ từ các quốc gia lớn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới sẽ là yếu tố quyết định để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai” – chuyên gia của VASEP nhận định.
Nguồn: https://danviet.vn/my-ap-thue-len-hang-hoa-cua-trung-quoc-trong-do-co-mot-loai-ca-viet-nam-se-gap-nhung-tac-dong-gi-20250209184938179.htm