Số liệu mới nhất về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự cho thấy, trong 11 tháng năm 2024, tỷ lệ bồi thường chỉ đạt 4% tổng doanh thu.
Tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố số liệu cập nhật theo báo cáo nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự.
Theo đó, trong 11 tháng của năm 2024, tổng doanh thu là 736,9 tỷ đồng; ước tính chi phí bồi thường là 28,5 tỷ đồng; tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%.
Số liệu Bộ Tài chính công bố trước đó cho thấy: 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431,78 tỷ đồng, chi bồi thường là 41,9 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là 35,86 tỷ đồng. Các khoản chi trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng… cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh.
Theo Bộ Tài chính, với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
“Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trung tuần tháng 1/2025, Báo VietNamNet đã có bài viết “Bảo hiểm xe máy thu 431 tỷ, bồi thường gần 42 tỷ: Bộ nêu lý do vẫn bắt buộc mua”.
Bài viết phản ánh hiện trạng, nhiều ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm đối với xe hai bánh theo hướng chuyển sang hình thức tự nguyện, không ép buộc, để đảm bảo quyền lợi của người dân. Vì trên thực tế, khi xảy ra tai nạn, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục bảo hiểm, bị công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, đưa hàng loạt thủ tục rườm rà, dẫn đến khó được chi trả.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Tại Việt Nam, mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất, chiếm 63,48%.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước chỉ có khoảng 6,5 triệu xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chiếm 9% số lượng xe lưu hành (tổng số xe máy tại Việt Nam khoảng 72 triệu chiếc).
“Trên thế giới, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy. Thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện”, Bộ Tài chính cho hay.
Lý do đưa ra chưa thuyết phục
Sau bài viết trên, nhiều độc giả của VietNamNet đã bày tỏ loạt quan điểm, ý kiến đáng chú ý.
Độc giả Hảo Châu Vũ đề xuất, khi bắt buộc người dân mua bảo hiểm cũng nên có một điều luật tương xứng để tránh tình trạng người bên bảo hiểm làm nhũng nhiễu và quy định rõ thời hạn tối đa phải hoàn tất. Hoặc, phải có một đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng nhũng nhiễu khi xảy ra tai nạn.
“Bản thân tôi từng bị tai nạn, mọi thủ tục đã đáp ứng đủ nhưng đến nay đã 9 năm vẫn chưa nhận được sự bồi thường nào nên luật ra cần để người dân tin tưởng thì mới thỏa đáng”, độc giả này băn khoăn.
Độc giả Trần Trung Thanh kể: “Bao nhiêu năm nay tôi mua bảo hiểm và cũng không ít lần bị người khác đâm phải, có bao giờ đi đòi tiền bảo hiểm đâu. Cứ yêu cầu người dân phải mua bảo hiểm mà chả có hướng dẫn để người dân được hưởng quyền lợi gì hết”.
Độc giả Phuc dam đề nghị các đơn vị bảo hiểm cung cấp danh sách và địa chỉ cụ thể các chủ xe máy đã được hưởng tiền bảo hiểm trong 5 năm qua để nhân dân cùng giám sát hoạt động bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Nếu cần, có thể đề xuất kiến nghị thay thế loại bảo hiểm bắt buộc bằng bảo hiểm tự nguyện.
Độc giả Tqlonghuy quan ngại, giờ lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra và phạt nếu không có bảo hiểm xe máy thì thành ra làm khó cho người dân, phải mua một thứ mà không biết cách sử dụng và cũng không cần dùng đến.
Độc giả Truongthanhson1988 lưu ý, chỉ có 9% lượng xe máy lưu hành mua bảo hiểm, chứng tỏ bảo hiểm không thiết thực và người dân không có nhu cầu. Do vậy, chỉ nên khuyến khích mua chứ không nên bắt buộc.
Còn theo độc giả Binh, ra luật bảo hiểm mà không có chính sách rõ cho người mua, làm lợi cho bảo hiểm rất nhiều. Khi có chuyện xảy ra thì bảo hiểm từ chối đủ đường, không mua thì bị phạt. Nên chuyển đổi luật thành tự nguyện vì dù sao cũng có bảo hiểm thân thể rồi!
Không ít ý kiến cho rằng, không thể viện lý do trên thế giới họ làm thế nên mình cũng làm. Nếu lợi ích của người dân đảm bảo thì dù không bắt buộc dân cũng hưởng ứng.
Độc giả Trien Tran phân tích, người dân các nước sẵn sàng mua bảo hiểm vì khi có tai nạn, họ không phải thực hiện thủ tục gì nhiều. Bảo hiểm chỉ căn cứ biên bản của cảnh sát, bên nào có lỗi thì bảo hiểm của bên có lỗi sẽ chi trả cho bên bị gây tai nạn. Mức bồi thường cũng rất đơn giản: Chủ xe chỉ cần xin giấy báo giá của đơn vị sửa chữa rồi bảo hiểm sẽ trả theo giấy báo giá.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/mua-bao-hiem-xe-may-bat-buoc-thu-gan-740-ty-chi-tra-hon-28-ty-dong-2368473.html