Huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), nằm ở biên giới phía Tây với hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, huyện đã triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc và chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả
Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch và đề án phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Các chương trình và chính sách được triển khai đúng đối tượng, thúc đẩy phát triển KT-XH, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nhiều hộ gia đình đã có tích lũy và mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ. Các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào DTTS.
Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, căn cứ vào định hướng phát triển KT-XH, huyện Hoàng Su Phì đã lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG như: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, hỗ trợ phát triển KT-XH… vùng đồng bào DTTS nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
Chỉ tính riêng Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 2022 – 2024 huyện Hoàng Su Phì được phân bổ 452.169 triệu đồng, thực hiện nội dung các dự án, tiểu dự án. Từ nguồn lực đó, địa phương đã hỗ trợ xây dựng và cải tạo 374 căn nhà; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 4.869 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ xây dựng trên 100 dự án hỗ trợ phát triên sản xuất cộng đồng và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS cho 20/20 xã, đạt 100% kế hoạch.
![Một huyện của Hà Giang, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nhờ chính sách dân tộc- Ảnh 1. Một huyện của Hà Giang, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nhờ chính sách dân tộc- Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Mot-huyen-cua-Ha-Giang-giam-ngheo-ben-vung-xay.jpeg)
Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì (áo xanh) kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn xã Túng Sán. Ảnh Nguyễn Quân
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các trường nội trú, bán trú, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho con em đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù; tổ chức các lớp xóa mù chữ; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy sinh dưỡng trẻ em kế hoạch cả giai đoạn năm 2021 – 2025 tại 24/24 xã, thị trấn, đạt 100% kế hoạch; thực hiện bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách về bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, thông tin tuyên truyền đối với đồng bào DTTS. Trong đó, chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, gắn kết và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2021 – 2024, đã hỗ trợ 11.835 lao động người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Theo số liệu điều tra KT-XH hết năm 2023 tại huyện Hoàng Su Phì, tỷ lệ hộ nghèo còn 41,35% (giảm 6,58% so với năm 2022), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 19,99% (giảm 0,41% so với năm 2022), tỷ lệ nghèo đa chiều còn 61,34% (giảm 6,99% so với năm 2022).
Đa dạng hóa mô hình sinh kế và giảm nghèo bền vững
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giai đoạn 2024 – 2029, huyện Hoàng Su Phì xác định, ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa huyện với các huyện trong tỉnh.
Huyện Hoàng Su Phì đã triển khai đa dạng các mô hình sinh kế nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững. Các mô hình như trồng dưa hấu tại xã Bản Luốc, phát triển sản phẩm OCOP từ cây chè Shan tuyết, và cải tạo vườn tạp đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu, đẩy mạnh triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm, phát triển cây, con thế mạnh gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, và chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
![Một huyện của Hà Giang, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nhờ chính sách dân tộc- Ảnh 2. Một huyện của Hà Giang, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nhờ chính sách dân tộc- Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739073191_904_Mot-huyen-cua-Ha-Giang-giam-ngheo-ben-vung-xay.jpeg)
Đồng bào dân tộc Cờ Lao tại huyện Hoàng Su Phì được hỗ trợ trâu để phát triển kinh tế. Ảnh Nguyễn Quân
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tiếp tục xây dựng và củng cố khối Đoàn kết dân tộc.
Cụ thể, huyện đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6,5%/năm; đảm bảo 100% đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hộ sử dụng điện thường xuyên; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thực hiện tốt chính sách về giáo dục – đào tạo và y tế cho đồng bào DTTS…
Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS. Theo đó, huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn và các thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực: Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển sản xuất; thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình MTQG; từng bước thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng đồng bào DTTS và các vùng khác trong huyện, giữa các dân tộc trên địa bàn.
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc và chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Hoàng Su Phì đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-huyen-cua-ha-giang-giam-ngheo-ben-vung-xay-dung-nong-thon-moi-nho-chinh-sach-dan-toc-20250208153611869.htm