Với sự cần cù, chịu khó và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gần 10 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảy và chị Lê Thị Nhàn (thôn 2, xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) đã biến 9 ha đồi đất sỏi đá thành một vườn cây ăn trái tươi tốt, cho thu nhập khá.
Trước đây, diện tích đất đồi sỏi đá của gia đình anh Bảy gần như không thể trồng được gì. Tìm hiểu, nghiên cứu về các giống cây, chất đất, anh Bảy nhận thấy vải và nhãn có thể phù hợp trồng trên đất sỏi đá. Năm 2016, anh Bảy bàn với vợ mua giống vải u hồng và u trứng về trồng thử nghiệm.

Nhiều người đến tham quan vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Bảy.
Không phụ công lao vất vả của người nông dân, sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn vải của anh Bảy đã cho trái ngọt đầu tiên. Trái vải cơm dày, vị ngọt, chất lượng không thua kém vải trồng tại các tỉnh miền Bắc, được thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao.
Thành công từ cây vải bước đầu đã tiếp sức cho vợ chồng anh Bảy mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng thêm 700 cây nhãn giống T6 trên 2 ha đất vào năm 2020.
Anh Bảy chia sẻ: “Giống nhãn T6 có nhiều ưu điểm như: trái đẹp, to, tròn, mọng, ăn ngọt và thơm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, việc tiêu thụ vì thế rất thuận lợi. Ngoài ra cây có thể cho ra trái theo ý muốn, cho thu hoạch nhiều đợt trong năm, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Để vườn cây phát triển tốt, vợ chồng anh Bảy chú trọng đến từng khâu trong quy trình chăm sóc.
Do diện tích vườn của gia đình là đất đồi sỏi đá, có độ dốc, phân bón dễ bị rửa trôi nên anh đã đầu tư hệ thống tưới béc tự động nhằm duy trì lượng nước tưới thường xuyên; mỗi năm còn bón phân hữu cơ 3 – 4 lần để bảo đảm chất dinh dưỡng nuôi cây.
Nhờ vậy, vườn vải và nhãn cho thu hoạch năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2024, gia đình anh Bảy thu được 30 tấn vải và 20 tấn nhãn, thương lái vào tận vườn cắt hái, thu mua giá trung bình từ 27.000 – 28.000 đồng/kg. Gia đình anh thu hơn 1 tỷ đồng từ vườn cây ăn trái.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Bảy và chị Nhàn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc, chọn giống cây cho bà con nông dân trên địa bàn, động viên bà con cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Anh Bảy ấp ủ dự định sẽ mở rộng diện tích vải và nhãn, đồng thời kết nối với các hộ trồng lân cận thành lập hợp tác xã để phát triển bền vững hơn từ loại cây trồng này.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-cap-vo-chong-dak-lak-thu-nghiem-2-loai-cay-o-9ha-dat-soi-ai-ngo-trai-ra-qua-troi-thu-tien-ty-20250218140544526.htm