(CLO) Tết Nguyên Đán được xem là lễ hội ý nghĩa nhất trong văn hóa của người Việt Nam, trong rất nhiều hoạt động văn hóa ngày Tết, việc cho tặng, biếu và đọc báo ngày Tết cũng dần trở thành nét đẹp đầu năm, nhắc nhở chúng ta về giá trị của chữ nghĩa, lòng trân quý văn hóa truyền thống cũng như nguyện ước an lành đầu năm.
Những bước chuyển mình của dân tộc qua mỗi ấn phẩm báo Tết
Xuân đến, Tết về cùng với phong tục tặng chữ để đọc, trang trí và tặng người thân, bạn bè và trong không khí đầm ấm, sum vầy thì không thể thiếu những tờ báo xuân trên bàn hay trên giá sách, nơi cả nhà cùng khách tận hưởng thời khắc tươi đẹp của những ngày Tết.
Tặng báo xuân cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp tức là chúng ta đã, đang trao món quà tinh thần, gửi gắm những lời chúc tốt đẹp. Qua đó lan tỏa thông điệp tích cực và khích lệ nhau cùng đón chào một năm mới vui vẻ, hạnh phúc gắn với niềm tin lớn lao về sự đổi mới của dân tộc.
Trước đây từ những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, mỗi tờ báo Tết, báo xuân được xuất bản và đến với đồng bào đó như sự hiện diện của tình đoàn kết dân tộc, mong muốn đất nước giành độc lập. Mỗi ấn phẩm ra đời trong kháng chiến đã cổ vũ, tiếp lửa đam mê đọc sách báo, hâm nóng khí sắc và hương vị ngày Tết, góp phần gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa Việt.
Khi cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, báo Tết vẫn luôn mang màu sắc tươi mới, đẹp đẽ và hi vọng một năm với niềm tin mới. Thời kỳ này do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, một số tờ báo Tết có in màu, nhưng thường chỉ có trang bìa hoặc một số trang quan trọng.
Ảnh minh họa trong báo Tết thường là tranh vẽ mang đậm phong cách tuyên truyền với hình ảnh mùa xuân gắn liền với đời sống lao động của công nhân, nông dân, bộ đội. Đặc biệt là những bức tranh chúc Tết với hình ảnh chú rắn (tượng trưng cho năm Tỵ) thường mang nét cách điệu theo phong cách hội họa thời kỳ đó.
Nhà sưu tầm báo cổ Nguyễn Phi Dũng cho biết: Dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng báo Tết vẫn là một món quà đặc biệt mà nhiều gia đình mong chờ. Có những người xếp hàng dài để mua báo, có người nâng niu từng trang báo như một kỷ vật quý giá. Những ấn phẩm này không chỉ phản ánh không khí đón xuân mà còn là tư liệu quan trọng giúp thế hệ sau hiểu hơn về một thời kỳ gian khó nhưng đầy lạc quan. Ngày nay, xem lại những tờ báo Tết không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử mà còn là dấu ấn của một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử báo chí Việt Nam.
“Báo Tết thời kháng chiến hay thời kỳ bao cấp là những tư liệu đầy giá trị, phản ánh chân thực một giai đoạn lịch sử khó khăn nhưng đầy khí thế xây dựng và bảo vệ đất nước. Với những người yêu báo chí, đó là ký ức đẹp, là kho tư liệu sống động giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về truyền thống báo chí Việt Nam”, ông Nguyễn Phi Dũng chia sẻ.
Có thể nói mỗi ấn phẩm báo Tết, bạn đọc có thể thấy được những bước chuyển mình của đất nước, chúng ta như được đồng hành cùng dân tộc, cảm nhận rõ nét tinh thần lạc quan, khát vọng vươn lên và ý chí xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh. Ngày nay, báo xuân trở thành nét văn hóa đặc trưng, gắn liền với sắc thái ngày Tết, được nhiều người sưu tầm và tìm đọc mỗi năm.
Tham gia hội Hội báo xuân trở thành một thói quen hàng năm
Trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội thì nét đẹp trong văn hóa đọc báo Tết vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ và thường xuyên được củng cố. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, từ thủa sơ khai ban đầu của báo chí cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay báo chí luôn đồng hành cùng công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Có lẽ cũng từ lịch sử đó, báo Tết vẫn là phương pháp, là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy đối với độc giả qua mỗi một năm.
Hội báo xuân và Hội báo toàn quốc được tổ chức dịp đầu năm đã dần là hoạt động văn hóa tinh thần, thành nét đẹp truyền thống hằng năm của báo chí cả nước. Sự kiện luôn thu hút sự quan tâm của công chúng, góp phần khích lệ tinh thần, động viên các tầng lớp nhân dân và đội ngũ những người làm báo đón một mùa xuân mới ấm áp, tươi vui.
Hàng năm Hội báo xuân hay Hội báo toàn quốc dần trở thành một hoạt động không thể thiếu, nơi quy tụ các sản phẩm tinh thần của người làm báo. Những tờ báo xuân được giới thiệu, người ta có cơ hội ngồi so sánh, hiểu thêm những nét độc đáo của từng tòa soạn. Cùng nhau “chấm điểm” từ nội dung hình thức của các tờ báo xuân, báo Tết, những bình luận, nhận xét sẽ là nguồn động lực để các tòa soạn tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí của cơ quan đơn vị mình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Công nghệ phát triển, mọi thứ trong cuộc sống đều diễn ra nhanh, con người cảm thấy thời gian ngày càng ít ỏi. Bên cạnh đó nhiều phương tiện truyền thông mới xuất hiện, khiến cho văn hóa đọc trên báo giấy truyền thống mặc dù có hàng ngàn năm nhưng có nguy cơ không còn nữa. Điều này được dự báo và có từ lâu, tuy nhiên trên thực tế phát triển thì rõ ràng không hẳn như thế. Đúng là số lượng có thể giảm đi nhưng rõ ràng không gì thay thế được một tờ báo giấy hay một cuốn sách. Bởi vì ta phải nghĩ đến cả giá trị vật thể của nó nữa. Hiện nay ở bất cứ đâu, trong nhà, bàn làm việc, nơi công cộng báo giấy vẫn luôn hiện hữu như một nhu cầu quan trọng.
Trong xu thế mọi người, mọi nhà sử dụng công nghệ để tiếp cận thông tin nhanh nhất, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân trung thành với báo giấy. Việc duy trì thói quen sử dụng báo giấy để nắm bắt thông tin giúp họ không bị lệ thuộc vào công nghệ, không bị mặt trái của công nghệ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Đọc báo giấy có hiệu ứng riêng, nó khác với đọc trên mạng chủ yếu là lấy thông tin, đọc báo giấy hay sách ở trong đó có cả một cảm hứng. Tôi nghĩ một người cầm một tờ báo giấy sẽ có dáng vẻ sang trọng hơn là những người chỉ cắm mặt vào điện thoại, đọc báo giấy hay đọc sách là thứ không thay thế”, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Dịp đầu năm ở Hội báo xuân, Hội báo toàn quốc đối với mỗi người trong chúng ta đều đón chờ dịp này. Như một chu kỳ thời gian, cứ dịp này công chúng mong muốn được tiếp cận với những hiểu biết, những thông tin về kinh tế xã hội về một năm qua. Thực tế những ấn phẩm báo Tết, báo xuân các tờ báo cũng đầu tư về công sức, đầu tư về trí tuệ nhiều hơn nên chất lượng bao giờ chất lượng cũng cao hơn và chắc chắn cách in ấn cũng đẹp hơn. Chính vì thế nhiều người tham gia hội Hội báo xuân hay Hội báo toàn quốc thành một thói quen hàng năm, thành tập quán không dễ bỏ”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/doc-bao-tet-dau-xuan-mon-an-tinh-than-khong-the-thieu-post332517.html