Hành trang của những đứa con xa quê mỗi lần rời nhà trở lại thành phố sau kỳ nghỉ, thể nào cũng có dăm ba túi quà quê mà ba mẹ dúi theo, lúc thì vài con khô cá, khô mực, khi thì bịch trái cây, rau củ.
Chúng tôi hay nói vui là về để “chà đồ nhôm – chôm đồ nhà”. Trong những chuyến “chà đồ nhôm” như thế, thỉnh thoảng tôi lại “thó” được hũ khô mực xé sẵn của ba.
Quê tôi là xứ biển Mũi Né – Phan Thiết nên thường nhà nào cũng có dăm ba con khô cá, khô mực các loại trữ sẵn, lúc nào muốn thì mang ra nướng, rồi dầm chén mắm me ớt chua chua ngọt ngọt cay cay.
Quẹt miếng khô vô chén mắm sệt sệt rồi ăn với cơm là chỉ có hết nồi.
Đợt rồi về chơi tết Tây, ba tranh thủ mang ký khô mực “xịn” mà ông cất trong tủ lạnh, chỉ khi có khách mới mang ra đãi, bắt lò nướng cho con gái mang vào Sài Gòn ăn. Mực ống con nào con nấy dài cả cẳng tay người lớn, một ký được đâu chừng 7-8 con.
Người ta thường dùng mực ống và mực lá để làm khô, nhưng theo kinh nghiệm của ba thì mực ống phù hợp để làm khô mực vì dễ ăn. Còn mực lá, ông nói thịt dày phơi một nắng mới ngon, chứ làm khô thì cứng và khó đập.
Ba nhắc đến chuyện “đập” là có lý do.
“Bí kíp” để có món khô mực ngon
Để có món khô mực ngon, tất nhiên cần có khô mực ngon, tuy nhiên đó chỉ là một phần.
Khâu nướng tưởng là khó nhất thật ra lại không phải, vì mực khô rất dễ chín, chỉ cần lật qua lật lại vài lần trên lửa nhỏ, mực đổi màu và quắp lại, hơi cháy sém ở viền thân là được.
Còn “bí kíp” quan trọng nhất để ăn khô mực ngon mà người dân xứ biển nào hầu như cũng biết, đó là phải “đập”.
Mực sau khi nướng phải được dần, được đập “cật lực” bằng chày, bằng búa, càng mạnh càng tốt.
Mục đích của việc này là làm cho thịt mực khô được đánh tơi ra, lộ rõ từng sợi thịt mỏng. Thịt càng tơi, món khô mực càng mềm mại, dễ nhai và khi ăn sẽ cảm nhận được trọn vẹn vị ngọt tự nhiên.
Nếu chỉ nướng chín mà không đập, khô mực sẽ chai cứng và dai nhách, ảnh hưởng đến hương vị món ăn. Lúc đập thì mỏi tay đó, nhưng khi ăn thì đỡ mỏi miệng lắm.
Khi miếng mực đã bị dần cho “tơi tả”, tiếp tục xé mực ra thành từng sợi, càng nhỏ càng tốt, rồi cho vào hũ ăn dần, để ngăn mát tủ lạnh để dùng được lâu hơn.
Lúc nào lên cơn “ghiền” thì chỉ cần mang ra quết tí tương ớt là có ngay “mồi bén”, siêng nữa thì dầm thêm chén mắm me ăn cùng với cơm nóng là mê ly.
Mỗi lần nhà bày khô mực ra nướng là không khí chộn rộn hẳn lên. Chộn rộn bởi cái mùi thơm khó cưỡng của miếng khô mực nướng mà ai nghe cũng phải thòm thèm, chộn rộn vì già trẻ lớn bé trong nhà xúm lại ríu rít, người nướng, người đập, người xé rộn ràng.
Xong xuôi đâu đó, cả gia đình lại quây quần thưởng thức thành phẩm, mỗi người “nhót” vài sợi, nói cười rôm rả, chả mấy chốc dĩa khô mực đã hết veo.
Nguồn: https://tuoitre.vn/moi-lan-nha-bay-kho-muc-ra-nuong-la-khong-khi-chon-ron-han-len-20250114164737324.htm