(BLC) – Tận dụng lợi thế có nhiều suối, khí hậu mát mẻ, những năm gần đây người dân xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) đã nuôi cá nước lạnh và nhanh chóng mở rộng diện tích qua các năm.
Xã Sin Suối Hồ được nhiều người biết đến là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh. Hàng năm, xã thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá. Không những vậy, đây còn là địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc Mông; có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây ăn quả ôn đới; tăng thu nhập từ trồng chè, thảo quả, chăm sóc bảo vệ rừng và gần đây là nuôi cá nước lạnh.
Nuôi cá nước lạnh mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Sùng A Phong (bên trái) ở bản Sin Suối Hồ.
Gia đình anh Sùng A Phong ở bản Sin Suối Hồ trước đây sinh sống dựa vào trồng địa lan nhưng khi bà con trồng địa lan nhiều, đầu ra khó hơn, gần đây địa lan bị bệnh, hiệu quả kinh tế giảm anh đã quyết định chuyển đổi hướng làm kinh tế sang nuôi cá nước lạnh. Bởi anh tìm hiểu thị trường bán cá nước lạnh dễ, giá trị kinh tế cao, nhanh thu hồi vốn trong khi điều kiện tự nhiên, khí hậu của bản rất phù hợp nuôi cá; nhiều khách du lịch khi đến bản muốn ăn cá tầm, cá hồi nhưng trong bản chưa có cá phục vụ.
Bắt tay vào làm, gia đình anh đầu tư gần 200 triệu đồng mua đất, xây 2 bể có thể tích 160m3 và tiếp tục đầu tư 150 triệu đồng mua 900 con cá tầm, thức ăn về nuôi. May mắn dưới sự chăm sóc của anh, cá phát triển tốt. Với giá bán lẻ 250.000 đồng/kg cá tầm, 180.000 đồng/kg cá hồi, sau khi trừ chi phí trong đợt nuôi cá đầu tiên gia đình anh đã thu lãi 250 triệu đồng. Hiện, trong bể của gia đình anh còn 3.000 con cá hồi, cá tầm chuẩn bị xuất bán; 1.000 con cá tầm giống còn nhỏ. Trong định hướng của anh, từ nay đến hết năm 2024, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá nước lạnh.
Là người nông dân chăm chỉ, chịu khó, dám thay đổi, nhận thấy triển vọng của việc nuôi cá nước lạnh, anh Sùng A Phềnh cùng ở bản Sin Suối Hồ cũng đã chuyển hướng. Đầu năm 2023, anh bán 5 con trâu của gia đình và vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phong Thổ 50 triệu đồng đầu tư xây 3 bể nuôi cá thể tích 200m3; trong tháng 5/2023 đã mua 2.000 con cá tầm về nuôi. Hiện, đàn cá của gia đình anh phát triển tốt. Gia đình anh dự kiến nuôi thêm 6.000 con cá tầm trong năm 2024.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc nuôi cá nước lạnh được người dân xã Sin Suối Hồ thực hiện từ năm 2019 và phát triển mạnh từ năm 2022 đến nay. Tập trung chủ yếu ở các bản: Sin Suối Hồ, Dền Sung, Chảng Phàng, Sàng Mà Pho. Nuôi cá nước lạnh đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật chăm sóc khắt khe, do đó để tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi cá nước lạnh thuận lợi, xã đã động viên, hướng dẫn người dân đến các cơ sở nuôi cá nước lạnh nhiều năm kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi. Khuyến khích hộ nuôi cá trước truyền lại kinh nghiệm cho hộ nuôi sau.
Gia đình anh Sùng A Phềnh ở bản Sin Suối Hồ dùng lưới che chắn bể để hạn chế nắng nóng ảnh hưởng đến đàn cá tầm mới nuôi.
Trong các bản cũng chủ động thành lập hợp tác xã nuôi cá nước lạnh để tạo cầu nối gắn kết, hỗ trợ nhau làm kinh tế. Về phía các tổ chức hội, đoàn thể của xã đã ký ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phong Thổ cho hội viên vay vốn, giải quyết khó khăn ban đầu. Nhờ vậy, số lượng hộ nuôi cá nước lạnh trong xã tăng lên rõ rệt.
Trong thời gian tới, xã Sin Suối Hồ tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng quy mô nuôi cá nước lạnh ở đầu các con suối để phục vụ nhu cầu khách du lịch và cung ứng ra thị trường. Hướng đến mục tiêu, đưa việc nuôi cá nước lạnh trở thành hướng đi mới hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương nơi vùng biên.