Cùng với cả nước, thời gian qua các địa phương ở khu vực miền Trung đã tập trung dồn lực xử lý tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp giấy phép khai thác thủy sản).
Sau 7 năm thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chính quyền các tỉnh, thành ven biển và các lực lượng chức năng trong cả nước đã tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương và địa phương, khắc phục những “lỗ hổng” trong công tác quản lý hoạt động tàu cá.
Tính đến ngày 6/1/2025, qua rà soát và thống kê, tổng số đội tàu cá cả nước là 84.536 chiếc; trong đó, số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc (đạt 98,9%). Tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tham gia hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% (28.312 chiếc). Việc kiểm soát tàu cá ra vào, xuất nhập bến và hoạt động trên biển đã có nhiều tiến bộ…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, kiểm soát giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) nhằm đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, không vi phạm IUU. Song song đó, việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đang được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế…
Mặc dù, các vụ việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số trường hợp vi phạm. Kết quả xác minh và xử lý các hành vi vi phạm như ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới cho phép trên biển, hay khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn rất thấp so với tổng số vụ việc được phát hiện. Việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác thủy sản tại một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định; xử lý tàu cá hoạt động sai vùng vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, công tác gia hạn, cấp giấy phép khai thác thủy sản vẫn còn chậm.
Miền Trung đang nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). |
Cùng với cả nước, thời gian qua các địa phương ở khu vực miền Trung đã tập trung dồn lực xử lý tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp giấy phép khai thác thủy sản). Công tác giám sát và kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng đã được cải thiện đáng kể. Các cơ quan chức năng đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, giúp đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang các thị trường. Ngư dân miền Trung cũng đồng lòng, quyết tâm không đánh bắt thủy sản trái phép.
Tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã tập trung tối đa nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt và kịp thời; đến nay, các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU cơ bản được khắc phục. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành xử lý triệt để tất cả tàu cá “3 không”; cấp đầy đủ giấy tờ cho 401 tàu cá đã đăng ký nhưng chưa kịp hoàn thành đăng kiểm đúng thời hạn (hiện trên 90% tàu cá của thành phố đủ điều kiện hoạt động); tăng cường công tác theo dõi, giám sát tàu cá; 100% tàu cá mất kết nối VMS đều được xác minh, xử lý đúng quy định; hoàn thành rà soát, xác minh và xử lý dứt điểm tất cả tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU từ tháng 10/2023 đến nay. 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác được giám sát sản lượng, nộp nhật ký thu mua chuyển tải và nhật ký khai thác bảo đảm chất lượng.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Ngãi hiện có 5.077 tàu cá, trong đó có 3.066 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên. Trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 165 trường hợp, với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Cũng như Đà Nẵng, đến nay Quảng Ngãi đã cơ bản giải quyết dứt điểm tàu cá “3 không”.
Tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp giấy phép khai thác thủy sản), được xử lý rốt ráo ở các địa phương trong khu vực miền Trung. |
Là một trong những tỉnh trọng điểm về nghề cá ở miền Trung, Bình Định cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng khai thác IUU. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến ngày 13/1/2025, Bình Định đã đăng ký 5.988 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên, trong đó có 5.782 tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên (3.190 tàu) đang tham gia hoạt động khai thác thủy sản đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS)…
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác với các tỉnh ven biển phía Nam, nhằm phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý tàu cá; tổ chức các đoàn công tác vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là các tàu có nguy cơ cao; ký quy chế phối hợp với các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tàu cá và đảm bảo an toàn cho ngư dân trong hoạt động khai thác.
Quyết liệt không kém các địa phương trong khu vực, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã ven biển phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường rà soát, kiểm tra thực tế từng tàu cá “3 không” để phân loại, xử lý, đảm bảo hoàn thành việc đăng ký. Đối với tàu cá “3 không” phát sinh ngoài danh sách, các địa phương khẩn trương báo cáo danh sách, đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể để UBND tỉnh xem xét, giải quyết. UBND các địa phương ven biển triển khai thành lập tổ công tác để hỗ trợ ngư dân hoàn thành thủ tục giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Đặc biệt, nếu còn trường hợp phát sinh tàu cá “3 không” thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/mien-trung-no-luc-chong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-iuu-159888.html