Đề xuất miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y cần được xem xét dưới góc độ ngân sách và công bằng với ngành nghề khác
Bộ Y tế vừa đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y như với ngành sư phạm; mức hỗ trợ học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo.
Kinh phí hỗ trợ quá lớn
Theo quy định, học phí ngành y, dược hiện cao nhất trong các khối ngành đào tạo ĐH. Cụ thể, với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí y, dược năm học 2024-2025 là 27,6 triệu đồng; các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe là 20,9 triệu đồng. Tại các trường công tự chủ, mức học phí còn cao hơn nhiều lần, chẳng hạn tại Trường ĐH Y Dược TP HCM, học phí ngành y khoa và răng – hàm – mặt là hơn 88 triệu đồng/năm.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng đề xuất miễn học phí và cấp tiền sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y của Bộ Y tế là “có lý” nhưng xét trong bối cảnh hiện nay thì không khả thi bởi kinh phí quá lớn. Bên cạnh đó, cần đặt vấn đề chính sách này có áp dụng cho sinh viên trường tư không, vì sinh viên ra trường đều cống hiến cho ngành y. “Có lẽ, cần có chính sách tốt hơn cho những sinh viên nghèo học giỏi theo học ngành y hơn là miễn học phí đại trà” – PGS-TS Nguyễn Kim Hồng kiến nghị.
Với góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho rằng mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có sứ mệnh riêng, do đó đề xuất miễn học phí và cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y đặt ra câu hỏi về tính công bằng so với các ngành học khác. “Các ngành công nghệ thông tin, nông nghiệp, môi trường, công nghệ vật liệu… cũng rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nếu ngành nào cũng đề xuất chính sách hỗ trợ như ngành sư phạm thì ngân sách không thể kham nổi” – ông Hoàn nêu quan điểm.
Hiệu trưởng một trường y ở khu vực phía Bắc cho rằng đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành y là rất nhân văn nhưng không thực tế. Theo hiệu trưởng này, khi ngân sách đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế, nếu không xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội thì sẽ tạo áp lực rất lớn cho ngân sách. Do đó, thay vì miễn học phí, nên có chính sách về học bổng, cho vay vốn… đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đãi ngộ tốt quan trọng hơn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS – bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cho biết theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt toàn khóa học cho người theo học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe nhà nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt toàn khóa học theo quy định cho người học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.
Theo ông Đức, đào tạo nhân lực ngành y không nên chạy theo số lượng mà phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Dẫn thực tế ở một địa phương có đến 5 cơ sở đào tạo ngành y – dược, ông Đức nêu tình trạng đầu vào thấp, đầu ra chưa được kiểm soát dẫn đến nhiều lo ngại liên quan chất lượng nhân lực ngành y tế.
Tại hội nghị thường niên CLB các giám đốc bệnh viện khu vực miền Trung năm 2024 vừa được tổ chức ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), TS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, kể khi đi kiểm tra về phòng chống bệnh không lây nhiễm, có những tỉnh có duy nhất một bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Để phần nào giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho một số ngành ít thu hút nhân lực.
Một chuyên gia giáo dục chỉ rõ nhân lực ngành y đang thiếu vì chính sách đãi ngộ quá thấp. Để có nguồn nhân lực tốt, phải có chính sách đãi ngộ tốt, mức lương xứng đáng. “Sinh viên ngành y học hành rất vất vả trong 6 năm nhưng khi ra trường, mức lương nhiều khi không bằng cử nhân ngành khác chỉ học 4 năm. Chưa kể, bác sĩ muốn được đi làm còn phải bỏ thêm nhiều thời gian, tiền bạc để thực hành, lấy chứng chỉ hành nghề. Mức lương thấp trong khu vực bệnh viện công cùng với áp lực công việc đã làm mất đi nguồn nhân lực chứ không phải là gánh nặng học phí” – chuyên gia này phân tích.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, có rất ít sinh viên trường y là “con nhà nghèo” và hầu hết đều chuẩn bị nguồn tài chính đủ để chi trả cho 7-10 năm học tập, thực hành. Bởi vậy, nếu có chính sách hỗ trợ thì nên dành cho đối tượng là nhân viên y tế cơ sở được đào sau đại học, đồng thời có ràng buộc về cam kết làm việc tại cơ sở y tế địa phương trong thời gian nhất định sau đào tạo xong, chẳng hạn 5 năm.
Không làm ảnh hưởng việc tự chủ của trường
GS-TS-DS Lê Minh Trí, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Sức khỏe – ĐHQG TP HCM, đánh giá việc Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành y cho thấy nhà nước đang chú trọng đầu tư, tạo điều kiện để phát triển y tế nước nhà. Tuy nhiên, hầu hết trường ĐH công lập đều đang tự chủ kinh tế nên nếu miễn, giảm học phí cho sinh viên thì nhà trường không đủ ngân sách chi trả tiền lương cho giảng viên, dẫn đến việc nhà trường khó lòng giữ chân nhân tài, giảng viên giỏi.
“Chủ trương của nhà trường là không chạy đua theo số lượng, ưu tiên tuyệt đối cho chất lượng sinh viên. Nhà trường chỉ có thể miễn học phí cho sinh viên khi nhà nước có chủ trương cấp học bổng và hoàn lại số tiền học phí về trường, như vậy mới không bị thâm hụt kinh phí, bảo đảm việc tự chủ” – GS Lê Minh Trí đề xuất.
Nguồn: https://nld.com.vn/mien-hoc-phi-cho-sinh-vien-nganh-y-kho-kha-thi-196241227213318954.htm