Khi DeepSeek công bố V3 và R1, truyền thông phương Tây đã gọi đây là “khoảnh khắc Sputnik”. Phòng thí nghiệm AI (trí tuệ nhân tạo) nhỏ bé của Trung Quốc đã thổi bay hàng nghìn tỉ USD vốn hóa của các tập đoàn công nghệ Mỹ chỉ trong một ngày. Thung lũng Silicon đã hỗn loạn trước sự xuất hiện của DeepSeek nhưng họ cũng đang giấu đi nỗi sợ của mình bằng những so sánh được cường điệu hóa.
DeepSeek không phải ‘khoảnh khắc Sputnik’
Khái niệm “khoảnh khắc Sputnik” lần đầu xuất hiện vào ngày 4.10.1957, lúc Liên Xô gây chấn động thế giới khi phóng Sputnik 1, đánh dấu lần đầu tiên nhân loại đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Từ đó “khoảnh khắc Sputnik” trở thành thuật ngữ dùng để chỉ những cột mốc mang tính lịch sử.
Sau đó, khi Neil Armstrong đặt “một bước chân nhỏ bé” lên mặt trăng, cụm từ “bước nhảy vọt của nhân loại” trở nên phổ biến hơn. Đây cũng là khoảnh khắc quan trọng trong Chiến tranh lạnh. The Guardian dẫn một báo cáo mật cho thấy chính nỗi sợ về việc mất đi vị thế dẫn đầu đã thúc đẩy Washington thực hiện các sứ mệnh Apollo, đưa Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những con người đầu tiên bước đi trên mặt trăng vào ngày 20.7.1969.
![Lý do thật sự khiến Thung lũng Silicon khiếp sợ DeepSeek- Ảnh 1. Lý do thật sự khiến Thung lũng Silicon khiếp sợ DeepSeek- Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Ly-do-that-su-khien-Thung-lung-Silicon-khiep-so.jpg)
Chatbot DeepSeek trên kho ứng dụng của Apple
Nhưng sự xuất hiện của DeepSeek không quá hào nhoáng như vậy. Startup AI này được tài trợ bởi một quỹ đầu tư ở Trung Quốc. Về mặt kỹ thuật, nó không thật sự “thông minh” hơn những mô hình ngôn ngữ lớn đã có trước đó như ChatGPT của OpenAI hay Claude của Anthropic.
AI của DeepSeek cũng dễ bị “ảo giác”, thậm chí đưa ra nhiều nội dung độc hại hơn cả chatbot của phương Tây. Theo NewsGuard, hệ thống xếp hạng các trang web tin tức, chatbot của DeepSeek đưa ra các tuyên bố sai đến 30% và không trả lời 53% câu hỏi.
Nỗi sợ thật sự của các công ty công nghệ
Theo các nhà phân tích, tác động thật sự của DeepSeek không phải công nghệ mà về mô hình kinh tế AI. Đây mới là điều các công ty thật sự khiếp sợ. Dù có nhiều khiếm khuyết so với các mô hình hàng đầu đến từ phương Tây, DeepSeek lại cho thấy bài toán kinh tế đặc biệt hiệu quả. Nền tảng được xây dựng với chi phí nhỏ, tận dụng những phần cứng cũ với giá thấp.
Việc Mỹ cố gắng gia tăng các lệnh cấm vận, hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận nguồn chip và thiết bị tiên tiến lại tạo ra nghịch lý, khiến các nhà nghiên cứu sáng tạo hơn. Kết quả, họ có thể tạo ra những đối trọng với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với Thung lũng Silicon.
Chấn động thế giới AI đầu xuân: DeepSeek là gì, ai đứng sau?
Quan trọng hơn, DeepSeek miễn phí sử dụng và mã nguồn mở. Sự kết hợp giữa chi phí thấp và tính cởi mở có thể giúp “dân chủ hóa AI”, cho phép các nhà khoa học ở khắp nơi đều có thể tham gia cuộc chơi. Điều này khiến các công ty Mỹ mất đi vị thế độc tôn. Thung lũng Silicon càng cố gắng tạo ra nhiều rào cản với đối thủ cạnh tranh, các công ty ở bên kia địa cầu lại làm ngược lại.
DeepSeek xé toạch bức màn bí ẩn AI
Chưa dừng lại ở đó, tác động lớn hơn DeepSeek tạo ra là nó đã xé toạc bức màn bí ẩn quanh AI. Thung lũng Silicon đã dày công tạo dựng hình ảnh AI như một thành tựu quý giá và kỳ diệu. Những lãnh đạo công nghệ hàng đầu như Sam Altman, Elon Musk được ví như người hùng dẫn dắt thế giới bước vào nền văn minh mới. Lời hứa về AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát), những cỗ máy thông minh vượt con người khiến sự cường điệu về AI bị đẩy đi quá xa. Hàng tỉ USD đầu tư được rót vào các công ty khởi nghiệp.
Khi DeepSeek xuất hiện, một câu hỏi mới được đặt ra. Liệu các mô hình AI tốt nhất có thể được tạo ra bằng cách kết hợp sức mạnh tính toán tối ưu hơn, ít gánh nặng về tài chính hơn những gì Thung lũng Silicon đang vẽ ra?
Câu trả lời nằm ở sự cường điệu liên quan đến DeepSeek. Theo The Guardian, nếu mô hình này được sinh ra từ một trường đại học Mỹ, rất có khả năng nó sẽ được ca ngợi không thua kém OpenAI. Nhưng thực tế, trong những tuần qua, phần lớn ồn ào liên quan đến DeepSeek là sự hoảng loạn, hoài nghi và những lo lắng về nguồn gốc của chủ sở hữu.
Trong khi OpenAI cho rằng đối thủ đến từ Trung Quốc đang dùng kỹ thuật “chưng cất” để tạo lợi thế cạnh tranh, chính kỳ lân AI này cũng đang vướng vào các vụ kiện tụng liên quan đến nguồn dữ liệu để đào tạo học máy, nhưng ít được quan tâm hơn.
Theo các chuyên gia, lo ngại liên quan đến quyền riêng tư, kiểm duyệt và giám sát được đặt ra với một mô hình lớn không phải vô lý. Tuy nhiên, đây là thách thức chung của cả ngành công nghệ chứ không riêng những sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ly-do-that-su-khien-thung-lung-silicon-khiep-so-deepseek-18525021016035614.htm