SingaporeÁp lực kiếm việc hay xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội khiến thực tập trở thành cuộc chạy đua giữa các sinh viên.
Channel NewsAsia hôm 25/7 đưa tin Jervis Chan, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), hoàn thành 8 kỳ thực tập liên tiếp trong 4,5 năm đại học.
Trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động, Chan và nhiều sinh viên Singapore đổ xô đi thực tập, thậm chí ở nhiều nơi cùng lúc, với mong muốn tìm được công việc tốt.
Tuy nhiên, áp lực này còn bị chi phối bởi một số lý do:
LinkedIn thay đổi “cuộc chơi” tìm việc
Các đại học Singapore từ lâu đã coi trọng tầm quan trọng của việc thực tập, coi đây là cách đến sinh viên có được những hiểu biết sâu sắc về thế giới bên ngoài và tích lũy kinh nghiệm thực chiến.
Đại học Quản lý Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang coi thực tập là yêu cầu bắt buộc để cấp bằng với tất cả sinh viên đại học.
Tuy nhiên, áp lực phải kiếm nhiều điểm thực tập, lấy kinh nghiệm ở các công ty lớn một phần xuất phát từ LinkedIn – mạng xã hội với hơn 930 triệu người dùng. Các nhà tuyển dụng, quản lý nhân sự đang sử dụng LinkedIn như một công cụ để tìm kiếm các tài năng.
Tìm từ khóa “thực tập” trên đó, bạn sẽ thấy nhiều người khoe khéo bằng cách viết thư cảm ơn các cố vấn hay đồng nghiệp cũ. Việc này là bình thường khi đây là nơi lý tưởng để mọi người thể hiện kinh nghiệm, càng nhiều càng tốt. Các trường đại học thậm chí còn dạy sinh viên cách tiếp thị bản thân tốt nhất trên LinkedIn, cung cấp các mẫu và hướng dẫn để sinh viên bắt chước.
Có thể nói LinkedIn dần thay đổi cách tìm việc và khiến việc xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn.
Nỗi sợ thua kém
Việc so sánh bản thân với thành tựu của người khác cũng là một nguyên nhân khiến người trẻ lo lắng. Ngoài hội chứng “sợ thua cuộc”, họ còn lo bị tụt hậu khi thấy người khác thành công.
Điều này thúc đẩy nhiều người lao vào các cuộc chạy đua thực tập với áp lực phải có càng nhiều mối quan hệ công việc càng tốt.
Coi số lượng hơn chất lượng
Thực tập giúp sinh viên rèn kỹ năng, khám phá những vai trò khác nhau để vạch ra kế hoạch nghề nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, sinh viên có thể kết nối với cố vấn nghề nghiệp và những người cùng chí hướng. Những người xuất sắc trong kỳ thực tập thường được mời ở lại làm việc toàn thời gian.
Dù vậy, không phải công ty nào cũng nhiệt tình hướng dẫn sinh viên. Ở một số nơi, sinh viên được yêu cầu pha cà phê chứ không được học hỏi các kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. Nhiều người vẫn chấp nhận, miễn là có cái để ghi vào hồ sơ. Họ cho rằng trong cạnh tranh tìm kiếm việc làm, mọi chứng nhận đều giúp một cá nhân vượt trội hơn người khác.
Đây không phải điều được các chuyên gia nhân sự đánh giá cao. Việc sinh viên thực tập nhiều nơi cùng lúc cho thấy họ không coi đó là trải nghiệm học tập. Vì thế, sinh viên nên thể hiện sự thông thạo kỹ năng liên quan đến ngành nghề, thay vì liệt kê dài dòng các trải nghiệm thực tập trong lý lịch.
Phương Anh (Theo CNA)