Nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước.
9 nhóm hàng hóa tăng, 2 nhóm giảm
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê công bố vào sáng 6/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2024, CPI tháng 1/2025 tăng 3,63%; lạm phát cơ bản tháng tăng 3,07%. Trong mức tăng 0,98% của CPI tháng 1/2025 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
![]() |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước. Ảnh: Châu Nữ |
Cụ thể, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với tăng 9,47% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm.
Nhóm giao thông tăng tăng 0,95%, làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó: Nhu cầu đi lại của người dân tăng vào dịp cuối năm làm cho giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 11,08%; vận tải hành khách đường bộ và vận tải hành khách bằng đường thủy cùng tăng 1,73%. Chỉ số giá xăng tăng 2,02%, chỉ số giá dầu diezen tăng 4,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%, tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm, trong đó: Lương thực tăng 0,3%; thực phẩm tăng 0,97%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 0,8%; thuốc hút tăng 0,7%; đồ uống không cồn tăng 0,36%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng như dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 1,91%; nhóm đồ trang sức tăng 0,95%; dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,56%…
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,38% do chi phí nhân công, chi phí vật liệu, nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông và chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,35%, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng như giá thuê nhà tăng 0,84% do nhu cầu thuê chung cư, nhà trọ tăng, ngoài ra giá bất động sản tăng cao thời gian qua đã khiến các hộ kinh doanh cho thuê nhà tăng giá để phù hợp với chi phí đầu tư; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,74%; giá dịch vụ khác liên quan đến nhà ở tăng 0,27% do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm…
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31% do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa cưới và dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, giá dịch vụ trong gia đình tăng 1,73%; giá máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 0,8%; hàng thủy tinh, sành, sứ tăng 0,66%…
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng sau: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,59% do nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; du lịch trọn gói tăng 0,64% do nhu cầu đi du lịch của người dân và chi phí dịch vụ tăng; khách sạn, nhà khách tăng 0,43%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,12%.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giáo dục giảm nhẹ 0,04%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,05% chủ yếu do thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh trung học cơ sở công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học cơ sở năm học 2024-2025.
Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,12%, trong đó, giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,74%; phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,72%; máy điện thoại di động thông thường giảm 0,35%; máy điện thoại cố định giảm 0,02%; riêng giá sửa chữa điện thoại tăng 0,27%.
Lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 0,42%
Về nguyên nhân khiến CPI tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê, do một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.
Lạm phát cơ bản tháng 1/2025 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/1/2025, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.719,63 USD/ounce, tăng 2,26% so với tháng 12/2024 do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát toàn cầu gia tăng khi một số chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm việc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada đã làm tăng sự hấp dẫn của vàng. Trong nước nhu cầu mua sắm vàng trước Tết nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 1/2025 tăng 1,03% so với tháng trước; tăng 29,13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 27/1/2025, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 108,57 điểm, tăng 1,49% so với tháng trước do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.518 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2025 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2025, Quốc hội đã thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mục tiêu không quá nặng nề, tuy nhiên vẫn không nên chủ quan, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến nhanh, khó lường. |
Nguồn: https://congthuong.vn/ly-do-cpi-thang-12025-tang-098-372497.html