Gạo VN liên tiếp chinh phục những dấu mốc thành tích quan trọng và đang chuẩn bị bắt tay triển khai Đề án “1 triệu hecta lúa chất lượng cao” để nâng tầm thương hiệu trên thị trường thế giới.
Ngành nông nghiệp Việt Nam! vừa đón nhận tin vui khi thắng giải thưởng quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới” được tổ chức tại Philippines. Song song đó, ngành hàng lúa gạo của VN cũng đang đứng trước nhiều sự kiện quan trọng như Festival lúa gạo VN lần đầu tiên nâng tầm quốc tế, ra mắt Hiệp hội ngành hàng lúa gạo; và quan trọng hơn hết là chính thức công bố Chương trình quốc gia “1 triệu hecta lúa chất lượng cao” để khẳng định trước thế giới về vai trò, trách nhiệm, định hướng sản xuất của nông nghiệp VN. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là một bước tiến mới mà người dân và doanh nghiệp (DN) đang chuẩn bị sẵn tâm thế để chinh phục.
1 triệu hecta lúa xanh làm lợi hơn 16.000 tỉ đồng
Ông Nguyễn Thanh Vạn, đã ngoài 50 tuổi, ngụ H.Thanh Bình (Đồng Tháp), có hơn 30 năm gắn bó với cây lúa, tâm sự: “Chưa khi nào bà con làm lúa vui như năm nay vì trúng mùa, trúng giá. Lúa mới làm đòng, thương lái đã tranh nhau xin được đặt cọc nên khỏe re. Nếu vụ đông xuân sắp tới tiếp tục trúng mùa, trúng giá như hiện tại thì gia đình cũng có dư chút ít sau nhiều năm chật vật với cây lúa. Khi nghe thông tin Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu hecta lúa mà theo đó giúp nông dân liên kết với DN để tăng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập hơn hiện tại, tôi rất mừng. Nếu nhà nước giới thiệu được DN làm ăn đàng hoàng, tổ chức nông dân liên kết theo hợp đồng bao tiêu theo hướng công bằng và minh bạch để cùng có lợi thì tôi sẵn sàng tham gia”.
Số lượng nông dân có nhận thức tiến bộ như ông Vạn ở ĐBSCL không phải ít. Bên cạnh đó, nhiều nông dân có diện tích đất từ vài hecta tới vài trăm hecta cũng khá nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với DN. Những nông dân tham gia các mô hình liên kết đều có lợi nhuận cao hơn hẳn và đó chính là điều kiện thuận lợi để triển khai đề án.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng khẳng định đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho nông dân. Bởi sản xuất lúa theo kiểu truyền thống tốn nhiều chi phí từ giống đến phân, thuốc nhưng hiệu quả chưa cao, trong khi lại tạo ra nhiều khí nhà kính. Đề án sẽ hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo các kỹ thuật trồng lúa kiểu mới, qua đó giảm chi phí đầu vào và hạn chế phát thải khí nhà kính qua hình thức tưới khô – ướt xen kẽ. Cụ thể như đẩy mạnh sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng lúa giống sử dụng, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước tiết kiệm… bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa. Hiện tại có nhiều mô hình sản xuất lúa thông minh được triển khai đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Trong giai đoạn đầu sẽ đưa chi phí sản xuất giảm 20%, tương đương chi phí đầu tư tiết kiệm được có thể lên tới 9.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất thì sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa, và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.
“Với mức giá lúa bình quân 5,1 triệu đồng/tấn thì việc tăng giá 10% giúp tăng doanh thu từ bán lúa khoảng 7.000 tỉ đồng/năm (nếu tính tổng thể 1 triệu ha tương đương 13 triệu tấn lúa). Như vậy lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và tăng giá bán. Ước tính nếu trên phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16.000 tỉ đồng”, lãnh đạo Cục Trồng trọt phân tích.
Sinh kế của hàng triệu hộ nông dân
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ thêm: “Đề án này là chương trình rất lớn, rất quan trọng, thu hút sự quan tâm không chỉ của cả nước mà cả quốc tế. Đến giờ phút này Bộ NN-PTNT đã đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) về cơ bản là xong. Tổng đề án này chúng ta cần khoảng 600 triệu USD thì WB cam kết cho vay từ 300 – 400 triệu USD. Nguồn ngân sách đã chuẩn bị 100 triệu USD, ngoài ra trích thêm từ các quỹ tín chỉ carbon hay quỹ biến đổi khí hậu và các quỹ viện trợ không hoàn lại từ 40 – 50 triệu USD. Phần còn lại thì các DN, địa phương có thể đồng hành với Bộ để đáp ứng đủ nguồn kinh phí”.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải không chỉ liên quan vấn đề kỹ thuật mà còn liên quan sinh kế của hơn 1 triệu hộ nông dân, nên ý nghĩa xã hội rất lớn. “VN có hơn 180 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng chỉ mới có 50 DN có hoạt động hợp tác, liên kết với nông dân. Trong số này chỉ vài DN tổ chức được mô hình bài bản và hoàn chỉnh. Chính vì vậy, vai trò của DN trong việc hoàn thành mục tiêu của đề án là rất quan trọng và tôi kêu gọi cộng đồng DN ngành gạo cùng chung tay thực hiện”, ông Hoàng Trung nói.
Ở góc độ chiến lược quốc gia, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: “Trong bối cảnh VN và ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng và nguồn nước không ổn định, chúng ta không thể tiếp tục mở rộng diện tích hay tăng vụ, tăng năng suất để tăng sản lượng gạo… Con đường duy nhất là phải tìm cách tăng giá trị hạt gạo VN để tăng thu nhập cho người nông dân. Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Từ cường quốc xuất khẩu sang quốc gia có trách nhiệm
“Suốt thời gian qua, khi thế giới đối mặt với vấn đề an ninh lương thực, VN đã nổi lên như một nơi cung cấp tiềm năng và uy tín. Đây là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế cường quốc lúa gạo, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân trong nước mà còn tham gia hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm. Với nền văn hóa lúa nước lâu đời, hạt gạo đối với người VN không đơn giản chỉ là một loại thực phẩm mà đã trở thành văn hóa, truyền thống lịch sử của hàng chục triệu hộ nông dân VN. Ở thời điểm này thế giới đang tiếp cận xu hướng tăng trưởng xanh, phát thải thấp, đó cũng là cơ hội để chúng ta truyền đi thông điệp với thế giới rằng ngành hàng lúa gạo VN chuyển từ tư duy sản xuất sản lượng sang tư duy sản xuất chất lượng, vừa đảm bảo được tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan
“WB cam kết hỗ trợ vốn 400 triệu USD cho đề án, con số này có thể tăng thêm nếu VN có đề xuất. WB cũng đã cam kết mua theo nghĩa vụ các tín chỉ carbon từ đề án sản xuất lúa này với giá khoảng 10 USD/tấn CO2 (tín chỉ). Và 1 ha lúa có khả năng giảm phát thải từ 5 – 10 tấn carbon, như vậy nguồn thu có thể tăng thêm từ việc bán tín chỉ này thêm 50 – 100 USD/ha/năm”.
Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại VN
Festival quốc tế Lúa gạo VN sẽ diễn ra từ 11 – 14.12.2023 tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang), do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức.
Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu tiên Festival Lúa gạo VN được nâng tầm thành festival quốc tế (5 lần tổ chức trước đó chỉ ở quy mô trong nước) với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu quốc tế. Tại festival lần này sẽ chính thức công bố Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất xanh, sạch.
Thanhnien.vn