Với thói quen dùng chung dụng cụ ăn uống, nước chấm… của người Việt đã khiến loại vi khuẩn HP dễ dàng lây lan trong gia đình.
![]() |
Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm trong gia đình, đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý dạ dày, tá tràng bao gồm ung thư dạ dày. Trong ảnh, Bác sĩ nội soi dạ dày cho bệnh nhân. (Ảnh: Thế Anh) |
Chị B.H (27 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám với dấu hiệu đau thượng vị, ăn uống không ngon miệng, bụng chướng. Ban đầu, bệnh nhân mua men vi sinh về uống không hiệu quả nên đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nội soi phát hiện niêm mạc dạ dày của chị bị phù nề, xung huyết với nhiều nốt viêm… Test nhanh cho kết quả dương tính với vi khuẩn HP ((Helicobacter Pylori).
Trước đó, cả gia đình chị Hạnh cũng phát hiện mang vi khuẩn này, đã điều trị lại tái phát. Người phụ nữ lo lắng khi vi khuẩn này có thể gây ung thư dạ dày.
Bé N.T.H (12 tuổi, Hà Nội) xuất hiện tình trạng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, đặc biệt sau ăn, thường tự hết. Gần đây, tình trạng đau bụng của trẻ tăng lên, kèm theo ợ hơi nhiều, ợ chua, nôn sau ăn. Gia đình đưa bé H. đi kiểm tra.
Tại bệnh viện, trên hình ảnh nội soi tiêu hóa của bé H. phát hiện niêm mạc sần, phù nề tại vị trí hang vị và tiền môn vị. Hành tá tràng có hai ổ loét lớn đối xứng kích thước lớn, đáy ổ loét lớn sâu, đáy phủ giả mạc trắng. Kèm theo kết quả test vi khuẩn HP dương tính.
Bác sĩ kết luận bé H. bị viêm dạ dày – loét hành tá tràng, HP dương tính. Ngay lập tức, trẻ được yêu cầu nhập viện nội trú và điều trị theo phác đồ. Bác sĩ tư vấn cả gia đình của bé H. nên làm test vi khuẩn HP để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Hoàng Chương, Trung tâm Tiêu hóa – gan mật, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người nhiễm HP có tỷ lệ ung thư dạ dày cao gấp 6 lần, viêm teo dạ dày gấp 8 lần, tổn thương dị sản ruột dạ dày cao gấp 2,17 lần so với người bình thường. 93% người bị loét dạ dày tá tràng nhiễm HP và gây một số bệnh khác như thiếu máu, thiếu sắt hoặc giảm tiểu cầu, mề đay mạn tính.
Tác nhân lây nhiễm vi khuẩn HP qua nhiều con đường khác nhau như: ăn uống không đảm bảo vệ sinh, lây nhiễm từ các thiết bị y tế như dụng cụ nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa không đảm bảo quy trình khử khuẩn. Nếu gia đình có cha hoặc mẹ nhiễm vi khuẩn HP, con cái có nguy cơ lây nhiễm 30-50%.
Trong đó bác sĩ chỉ ra thói quen sinh hoạt của gia đình như ăn uống chung thìa, dĩa, dùng chung nước chấm… cũng là yếu tố dẫn đến lây vi khuẩn này.
Theo bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Thị Thu Hiền, Trung tâm Tiêu hóa – gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay có nhiều cách test vi khuẩn HP khác nhau.
– Xét nghiệm kháng thể HP trong máu: Xét nghiệm này có ưu điểm ít xâm lấn, dễ làm và dễ thực hiện. Nhược điểm là không biết rõ vi khuẩn HP còn hoạt động hay không, dễ dương tính giả cao ở người từng nhiễm vi khuẩn này.
– Xét nghiệm tìm HP trong phân: Ưu điểm dễ thực hiện nhưng lại dễ dương tính giả ở người đang sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc khác.
– Test qua hơi thở: Ít xâm lấn, hiệu quả cao thấy rõ vi khuẩn HP có hoạt động không. Nhược điểm chi phí cao hơn, không phù hợp với người có bệnh lý về đường thở, phổi.
– Nội soi dạ dày sinh thiết HP: Ưu điểm quan sát niêm mạc, soi lấy mẫu vi khuẩn HP đánh giá tổn thương khác của dạ dày. Tuy nhiên, phương pháp này có xâm lấn gây khó chịu cho người bệnh và chi phí cao.
Bác sĩ Hiền cho rằng, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể để có phương pháp phù hợp nhất và chỉ định điều trị bệnh hay không.
Một số người cần điều trị diệt vi khuẩn HP như:
– Người viêm loét dạ dày kèm theo nhiễm vi khuẩn HP.
– Người dương tính với vi khuẩn HP và có người thân mắc ung thư đường tiêu hóa như bố, mẹ, anh, chị em ruột.
– Người viêm teo niêm mạc dạ dày.
– Người hút thuốc lá, đang điều trị các thuốc kháng viêm giảm đau khác như thuốc trị xương khớp.