Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024, quần thể hoa trang cổ thụ ven suối Tà Má vào thời điểm nở rộ. Dọc con suối kéo dài nhiều km, những cây trang tuổi từ hàng chục đến cả trăm năm bung nở phủ kín cả dòng suối. Những ngày cuối tuần, du khách, người dân trong và ngoài tỉnh ồ ạt đổ đến để ngắm hoa, tắm suối, thưởng thức ẩm thực đại ngàn.
Nhà bên suối Tà Má, bà Đinh H’Nức (68 tuổi, làng Hà Ri) kể, trước kia, làng này ở trong khu rừng rậm rạp, nhiều cây cổ thụ. Bên suối Tà Má, loài hoa trang mọc rất nhiều, dày đặc. Nhưng sau đó, công cuộc khai hoang vì sinh kế qua các mùa rẫy mới đã đẩy lùi cánh rừng về phía Tây.
“Trước đây, mùa hoa trang nở đỏ rực cả suối nhưng chẳng ai biết đến. Mùa hè, bóng mát cây trang trở thành nơi người dân làm rẫy đến nghỉ mát”, bà H’Nức cho biết.
Bà Đinh Thị Hà (Mí Ninh, 45 tuổi, làng Hà Ri) kể thêm, các vùng ruộng lúa của làng đều nằm bên suối Tà Má. Mỗi mùa mưa, suối chảy như thác, hung hãn vô cùng, chực chờ cuốn hết đất đai, ruộng rẫy của làng. Vì vậy, từ lâu, cả làng đã “hương ước” giữ lấy rừng trang 2 bên bờ suối. “Cây trang to rắn chắc, rễ bám sâu vào 2 bờ suối nên giữ được cây là giữ được ruộng nương, giữ được bụng no ấm cho làng”, Mí Ninh cho biết.
Đến năm 2021, sau đại dịch Covid-19, mưa nhiều, hoa trang ở suối Tà Má nở rộ vàng rực cả con suối. Nhiều hình ảnh loài hoa này được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng, không gian mạng nên được nhiều người biết đến. Sau dịch, dòng người đổ xô đi ngắm hoa suối Tà Má rất đông. Có ngày, cả ngàn người đến làm cho đường làng Hà Ri kẹt cứng.
“Năm ấy, người lạ đến nhiều lắm, nối nhau kéo dài từ đầu làng đến cuối làng. Cả làng kẹt đường, không ai đi lên rẫy được, nhiều người rất sợ vì người lạ đến đông quá!”, bà H’Nức kể thêm.
Còn theo lời Mí Ninh, già làng lúc bấy giờ là ông Đinh Đay (đã mất) buộc phải mổ 1 con heo để cúng giàng vì trong làng nhiều người lo sợ thổ thần, giàng quở phạt nên cả làng mới xảy ra chuyện người lạ đến áp đảo.
“Thuở giờ, ít người lạ đến làng Hà Ri lắm. Năm 2021, tự dưng người đâu đến đông nghẹt. Có ngày, cả ngàn người đến khiến nhiều người trong làng rất lo sợ!”, Mí Ninh kể thêm.
Về sau, khi chính quyền đến vận động và giải thích thì cả làng Hà Ri mới thấu hiểu đây là điềm lành chứ không phải giàng phạt. “Sau đó, tỉnh đầu tư đường làm du lịch cho làng vào suối Tà Má. Đường mở lớn, có điện mặt trời chiếu sáng, bà con rất phấn khởi”, Mí Ninh tiếp lời.
>>> Mời xem thêm clip:
Đường lớn mở chạy thẳng vào suối Tà Má, nhiều hộ gia đình trẻ trong làng Hà Ri bắt đầu mở nhiều dịch vụ, hàng quán để phục vụ du khách đến tham quan, du lịch. Để quản lý môi trường tốt hơn, làng Hà Ri thành lập đội xử lý rác thải kiêm quản lý các hoạt động du lịch, đón tiếp khách đến tham quan.
Ngoài ra, có gần 100 hộ dân làng Hà Ri có đất đai, ruộng vườn bên suối Tà Má đã chung tay để làm ra các mô hình nhà sàn đan tre nứa, mái lợp lá tranh và lá rừng, kèm theo sạp đan tre để đón khách. Nhà sàn và sạp đơn giản nhưng phỏng theo mô hình chòi trại người miền núi khi canh tác ở ven rừng, rẫy nương.
Hộ ông Đinh H’Lóc trước kia có vùng rẫy lớn bên suối Tà Má, sau đó ông mở rộng để trồng cây cau. Về sau, du lịch phát triển, vườn cau bên suối nhà ông H’Lóc lại là điểm hút khách. Ông đầu tư 12 cái chòi, sạp tre và bắt cầu tre để đón khách. Mái chòi lợp lá rừng có niêm yết giá, bảng hướng dẫn kèm số điện thoại của chủ nhà để du khách liên hệ trả phí sử dụng 300.000 đồng/ngày. Có ngày, khách đến đông đúc, hộ ông H’Lóc thu hàng triệu đồng từ cho thuê chòi.
Tương tự, hộ Mí Ninh có 2 chòi lá, 1 sạp đan tre ven suối. Những ngày đông khách, gia đình Mí Ninh “hốt” tiền triệu. “Bên cạnh đó, làng cũng có nguồn thu từ bán cho khách du lịch các đặc sản, như: thị heo bản, gà bản, rau và măng rừng, củ mì… Mùa hoa trang nở, nhiều hộ làm ăn trúng lắm, có hộ thu hàng chục triệu đồng/tháng”, Mí Ninh hồ hởi.
Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho biết, quần thể cây trang ở suối Tà Má có khoảng 100 cây, nhiều cây hàng trăm tuổi. Để bảo tồn quần thể cây trang, địa phương đã vận động trồng bổ sung thêm 300 cây con mới. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng đã lập chốt để bảo tồn rừng trang và hệ sinh thái ven rừng lân cận.
“Thôn Hà Ri có 159 hộ, chủ yếu là người Ba Na và một ít người Dao. Hiện, thôn đã xây dựng 52 nhà sàn tre, lợp lá rừng và 17 sạp đan tre bên suối Tà Má để làm du lịch xanh”, ông Tư nói rồi chia sẻ thêm, xã đang đẩy mạnh các tổ tự quản, tổ cộng đồng để quản lý rác thải, du lịch tại làng Hà Ri.
Hiện, xã Vĩnh Hiệp đang chờ quy hoạch để đưa điểm du lịch ở suối Tà Má vào hoạt động quy củ hơn, có quy hoạch rõ các khu vực bảo tồn, quản lý, khai thác. “Mong muốn xã và người dân là phát triển nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng nguyên mẫu khai phá các tiềm năng tự nhiên, văn hóa, con người, vùng đất”, ông Tư bày tỏ.
Năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã đầu tư 1 tuyến đường nhằm thúc đẩy phát triển du lịch miền núi đến suối Tà Má vốn 8 tỷ đồng. Tuyến đường dài 2,6km, rộng 6,5m đấu nối từ đường trục chính thảm nhựa chạy thẳng về hướng TP Quy Nhơn. UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã thông qua đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó đưa suối Tà Má làm tiêu điểm phát triển hình ảnh du lịch cộng đồng tại huyện.
NGỌC OAI – Trình bày: HỮU VI