Tỏi tím được trồng vài chục năm qua tại phường 7, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là loại tỏi thơm ngon, bán với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg, đang được người dân trồng và nhân rộng trong thời gian qua.
Những ngày này, tiết trời nắng nhiều tại TP. Đà Lạt đã giúp cho nhiều hộ dân tại phường 7 vui mừng vì phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của cây tỏi tím.
Tỏi tím là cây trồng đã gắn bó vài chục năm qua với người dân ở tổ dân phố Thánh Mẫu, phường 7, TP. Đà Lạt. Cây tỏi tím được người dân tại đây trồng từ tháng 8 Dương lịch để thu hoạch và bán vào đúng dịp Tết.
Hiện nay, tại tổ dân phố Thánh Mẫu đã có khoảng 30 hộ gia đình trồng tỏi tím.
Theo ông Lê Nguyễn Trung Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, TP. Đà Lạt, hiện nay, tại địa phương đã thành lập “Tổ hội nghề nghiệp trồng tỏi tím phường 7” với khoảng 30 thành viên. Tỏi tím tại phường 7 cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2024.
Dạo quanh tổ dân phố Thánh Mẫu, phóng viên ghi nhận có một số nhà vườn vẫn chưa thu hoạch tỏi do vẫn đang cắt cữ hoa dịp Tết Âm lịch Ất Tỵ. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ đã thu hoạch, bán được tỏi tím với giá cao từ 80.000-100.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đức (phường 7, TP. Đà Lạt) cho hay, cây tỏi tím được trồng tại Thánh Mẫu đã vài chục năm. Gia đình ông Đức cũng trồng tỏi tím được gần 20 năm. Hàng năm, cứ vào tháng 8 Dương lịch, ông Đức lại xuống giống trồng tỏi bởi đây là khoảng thời gian có thời tiết phù hợp nhất với tỏi tím Đà Lạt.
“Gia đình tôi hàng năm đều trồng khoảng 1.000m2 tỏi tím. Đây là loại cây trồng ngoài trời, chỉ thích hợp trồng vào mùa nắng, thời tiết nắng sẽ giúp cho tỏi có năng suất hơn. Nếu tỏi đạt thì 1.000m2 sẽ có sản lượng từ 600-800kg.
Vừa rồi gia đình tôi đã thu hoạch và bán được giá 80.000-100.000 đồng/kg tùy size. Do năm nay thời tiết có mưa nhiều, bão nên sản lượng tỏi tím không đạt như mọi năm. Do nguồn giống người dân vẫn phải chủ động nên củ tỏi to sẽ được tôi lựa bán, tỏi nhỏ sẽ để làm giống cho vụ năm sau. Diện tích đất trồng tỏi sau khi thu hoạch sẽ được xử lý rồi lại trồng rau, hoa khác”, ông Đức cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Lập cho hay, kinh nghiệm nhiều năm trồng tỏi tím tại Đà Lạt ông nhận thấy, khi tỏi đang kết củ mà bị gặp mưa nhiều thì cây sẽ bị úng dẫn đến thối lá chân làm củ bị lép, không lớn được dẫn đến giảm năng suất.
Chính vì vậy, người dân Đà Lạt thường trồng tỏi vào vụ Đông – Xuân, thời điểm này nắng nhiều, phù hợp để tỏi tím phát triển. Khi thu hoạch vào gần Tết Âm lịch, tỏi sẽ chắc, củ to, có màu tím đặc trưng và mang lại năng suất cao.
Tỏi tím sinh trưởng và phát triển tốt ngoài trời cũng là một lý do để chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ người dân giữ lại loại cây gia vị này. Năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là giảm diện tích, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện lân cận.
Chính vì tỏi tím được trồng ngoài trời và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân đã giúp chính quyền có định hướng để người dân chuyển đổi cây trồng, giảm diện tích nhà kính tại địa phương.
Theo ông Lê Nguyễn Trung Vinh: “Tỏi tím đã trở thành cây trồng đặc trưng của địa phương, vừa là hướng đi người dân có thể áp dụng, nhân rộng mà cũng hưởng ứng đề án giảm thiểu nhà kính của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Hơn nữa, hiện nay đơn vị liên kết là Hợp tác xã Liên Hằng đã có hợp đồng thu mua hết sản phẩm tỏi tím của người dân. Vì vậy, người dân sẽ yên tâm để tiếp tục trồng và mở rộng diện tích trong thời gian tới”.
Nguồn: https://danviet.vn/loai-cu-gia-vi-quen-lam-luon-trong-o-da-lat-sao-gia-ban-len-toi-100000-dong-kg-dan-tinh-van-mua-20250125082830575.htm