Cụ thể, giá dầu Brent tăng 2,42 USD, tương đương 3%, lên mức 81,69 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,36 USD, tương đương 3,2%, lên mức 76,22 USD/thùng.
Theo Reuters, ngày 8.2, Israel đã ném bom thành phố biên giới phía Nam Rafah sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất chấm dứt xung đột ở vùng đất của người Palestine.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC cho biết, các cuộc tấn công vào hoạt động vận chuyển của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tiếp tục làm gián đoạn giao dịch dầu mỏ toàn cầu.
Tại Mỹ, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến cũng thúc đẩy thị trường dầu mỏ. Dự trữ nhiên liệu giảm kết hợp với dự trữ dầu thô tăng do các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang bước vào đợt bảo trì.
Tại Nga, thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine và sự cố kỹ thuật đã dẫn đến xuất khẩu dầu thô nhiều hơn dự kiến trong tháng 2. Điều này làm suy yếu cam kết cắt giảm nguồn cung của theo thỏa thuận trong OPEC+.
Trong khi đó, mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy – mỏ lớn nhất ở Biển Bắc sẽ duy trì sản lượng ổn định ở mức cao hơn 755.000 thùng/ngày cho đến hết năm. Công suất dự kiến ban đầu của mỏ dầu này là 660.000 thùng/ngày.
Trong nước, chiều qua, giá bán lẻ xăng dầu đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành giá. Theo đó, giá xăng RON 9-III giảm nhiều nhất 900 đồng/lít và giá dầu diesel giảm ít nhất 290 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không chi quỹ bình ổn đối với tất cả nhiên liệu còn lại; tiếp tục không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9.2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.120 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 23.260 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.700 đồng/lít; dầu hỏa không quá 20.580 đồng/lít; dầu mazut không quá 15.590 đồng/kg.