Anh Trần Văn Thời (47 tuổi, thôn Mô Pả, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng mì sang trồng quýt đường cùng một số loại cây ăn trái khác trên vùng đất dốc đồi núi.
Sau nhiều năm trồng và chăm sóc, vườn quýt đường của anh Thời đã cho kết quả ngoài mong đợi, phục vụ vào đúng dịp Tết cho người dân trên địa bàn.
Nằm ở gần trung tâm hành chính huyện Tu Mơ Rông, cách Quốc lộ 40B vài chục mét đi bộ, vườn quýt đường của anh Thời dần hiện ra khiến tôi ngỡ ngàng. Từ xa, những cây quýt đường sum suê quả màu vàng sẫm được trồng ngay hàng thẳng lối phủ kín nửa quả đồi.
Vườn quýt đường phù hợp thổ nhưỡng ở Tu Mơ Rông mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Thời.
Anh Thời kể, gia đình anh rời tỉnh Nam Định đến Tu Mơ Rông vào năm 2012 để sinh sống. Với số tiền tiết kiệm mang từ quê vào, anh Thời đã mua 5ha đất của người địa phương trồng mì, trồng lúa làm kế sinh nhai. Dù mỗi năm vườn mì vẫn cho thu nhập hơn 120 triệu đồng nhưng anh Thời nhận thấy trồng mì khiến đất ngày càng bạc màu, thu nhập không cao lại không bền vững, nên muốn thử sức với một loại cây khác tại nơi đồi núi khó khăn này.
Anh Thời cho biết, khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, đất lại dốc đá nên rất kén loại cây trồng. Sau thời gian tìm hiểu, anh Thời thấy những cây chanh, cây bưởi rừng ở đây không cần ai chăm sóc vẫn rất sai quả nên anh nghĩ vùng đất này phù hợp với cây có múi. Và rồi, anh Thời quyết định thử sức trồng quýt đường.
Vì là người đầu tiên trồng quýt đường trên địa bàn xã, anh Thời khá lo lắng vì chưa có kinh nghiệm nên chỉ dành ra một phần diện tích đất gần 1ha để trồng cây ăn trái, diện tích còn lại vẫn tiếp tục trồng mì.
Đầu tiên, anh Thời đào hố trồng theo mô hình như ruộng bậc thang rồi bón trấu, phân bò ủ hoai để tại độ tơi xốp và chất dinh dưỡng. Khi các khâu được hoàn thiện, anh Thời bắt đầu xuống giống vào năm 2017. Qua tìm hiểu, anh Thời xuống tận tỉnh Tiền Giang để mua giống, hơn 300 cây quýt đường (5 sào), 100 cây mít và 50 cây xoài. Tổng chi phí đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng
Anh Thời nhớ lại: “Sở dĩ tôi trồng nhiều loại cây một lúc để thử nghiệm xem loại cây nào hợp và sau này không lo về đầu ra. Năm đầu, tôi mua loại phân siêu vi lượng bón nhưng qua một thời gian theo dõi và tìm hiểu mới biết loại này không phù hợp với loại cây có múi nên phải chọn loại phân khác cho phù hợp. Sau đó, tôi thử chuyển qua bón phân bò và một số loại phân hữu cơ khác thấy cây nhanh bén rễ và vươn mầm. Tôi quyết định chọn mùn cưa, phân bò, vỏ trấu để đồng hành trong thời gian tới, tiết kiệm chi phí đầu tư hơn 1 nửa, khoảng 10 triệu đồng/năm thay vì tốn gần 20 triệu đồng như trước”.
Đến năm 2019, vườn cây bắt đầu ra quả bói và cho kết quả ngoài mong đợi. Sợ cây mất sức nên anh thời chỉ lựa chọn những quả chất lượng để lại. Những năm sau, vườn cây của anh Thời sai trĩu quả, vì trồng theo phương thức hữu cơ nên chất lượng của từng quả rất đảm bảo. Những khách hàng đầu tiên là hàng xóm của anh, ai nấy đều hài lòng khi thưởng thức.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người trên địa bàn huyện tìm đến và đặt mua. Trung bình mỗi năm, anh Thời thu hơn 5 tấn quýt đường, trừ mọi chi phí anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Số cây ăn quả còn lại không đạt năng suất như quýt đường.
Ngoài diện tích 1ha đang thử nghiệm trồng cây ăn trái, anh Thời còn 4ha đang trồng mì và bời lời. Dù mỗi năm trồng mì vẫn cho thu lãi hơn 100 triệu đồng, nhưng so với diện tích trồng quýt (5 sào), diện tích trồng mì lớn hơn rất nhiều nhưng lợi nhuận thu về không cao. Hơn nữa, việc trồng mì lâu năm khiến đất trở nên bạc màu, không phải là hướng đi lâu dài, bền vững.
Anh Thời chia sẻ, so với cây mì, trồng quýt đường cho thu lãi cao hơn nhiều trên cùng một diện tích. Cách trồng và chăm sóc cũng tương đối dễ dàng, công và chi phí chăm sóc cũng không cao. Ở đây không có ai trồng nên sâu bệnh cũng rất ít, đầu ra cũng đáp ứng được, giá bán lẻ là 25.000 đồng/kg, mua sỉ là 20.000 đồng/kg, mọi người có thể vào vườn tự tay lựa hái theo sở thích của mình.
Nếu ai có nhu cầu muốn trồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Tôi khuyến khích bà con Xơ Đăng nên trồng quýt đường hoặc các loại cây có múi, vì những loại cây này dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây và hơn hết là cho thu nhập cao hơn trồng mì, trồng lúa.
Ông Dương Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, anh Thời là gương nông dân điển hình trên địa bàn xã, dám nghĩ, dám làm để tìm hướng phát triển kinh tế mới trên vùng đất khó. Để hỗ trợ về đầu ra cho gia đình, xã đã giới thiệu nhiều cá nhân, đơn vị… trên địa bàn tỉnh đến và mua ủng hộ. Vườn cây của anh Thời là mô hình điểm để vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi.
Nguồn: https://danviet.vn/lieu-trong-quyt-duong-o-vung-nui-rung-kon-tum-tuong-la-ro-dai-ngo-dau-trung-lon-20250124151805294.htm