Tốc độ gió nhanh gấp nhiều lần đạn rời nòng trên hành tinh Tylos thách thức sự hiểu biết của con người về cách thức thời tiết hoạt động ở những thế giới xa xôi.

Mô phỏng thời tiết trên hành tinh Tylos, với những vùng màu cam có nhiệt độ cao hơn 2.000 độ C
Các nhà thiên văn học lần đầu lập bản đồ chi tiết về khí quyển hành tinh, theo đó cho thấy hiện tượng gió nhanh nhất từng được quan sát xung quanh một thiên thể trong vũ trụ rộng lớn.
Kết quả cho thấy luồng gió giàu natri đầy uy lực di chuyển với tốc độ hơn 72.420 km/giờ trên hành trình hẹp dọc theo đường xích đạo của Tylos, một hành tinh ngoài hệ mặt trời cách trái đất khoảng 900 năm ánh sáng. Trong khi đó, tốc độ đạn rời nòng vào khoảng 3.000 km/giờ.
Bên dưới luồng gió là các lớp gió tốc độ chậm hơn chứa titanium và sắt.
Không người nào có thể sống sót trong điều kiện khí quyển như hành tinh Tylos, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
Tylos được xếp vào nhóm “sao Mộc siêu nóng”, với khoảng cách quá gần sao trung tâm đến nỗi một năm trên hành tinh chỉ tương đương 30 giờ trên địa cầu.
Một mặt hành tinh Tylos bị khóa chặt về hướng sao trung tâm, khiến nhiệt độ của ngày luôn cao hơn 2.000 độ C. Mặt còn lại chìm trong đêm tối vĩnh cửu và nóng khoảng 1.000 độ C. Ranh giới giữa ngày và đêm luôn được duy trì trong tình trạng chạng vạng.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính viễn vọng VLT ở Chile của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) để thu thập ánh sáng từ khí quyển Tylos đến trái đất. Dữ liệu ghi nhận được dùng phân tích dấu ấn của các nguyên tố và hợp chất.
Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học trái đất có thể nghiên cứu cấu trúc của khí quyển một hành tinh ngoài hệ mặt trời.
“Khí quyển của hành tinh Tylos hành xử theo những cách hoàn toàn thách thức hiểu biết của con người về hoạt động của thời tiết, không chỉ trong điều kiện trái đất mà đối với toàn bộ các hành tinh của vũ trụ”, theo tác giả báo cáo Victoria Seidel của ESO.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lau-dau-quan-sat-chi-tiet-khi-quyen-hanh-tinh-cach-trai-dat-900-nam-anh-sang-185250219160617427.htm