Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử cũng đi kèm không ít thách thức. Đến lúc cần thiết phải xây dựng một bộ luật chuyên ngành.
Nhiều sàn chưa tuân thủ quy định pháp luật
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, song đây cũng là năm trọng điểm xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử của đội ngũ quản lý thị trường.
Cần thiết lập “trật tự’’ kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Phương Thảo |
Trong bối cảnh gia tăng hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, Tổng cục quản lý thị trường đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai Đề án 319, bên cạnh việc khảo sát, đánh giá và kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về hoạt động thương mại điện tử, yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktokshop, Sendo chia sẻ thông tin phục vụ hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường hoạt động sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).
Đối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam cũng chưa tuân thủ quy định của pháp luật, điển hình trong đó phải nhắc đến sàn thương mại điện tử Temu. Để bảo về quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – cho biết: Cục đã chủ động liên hệ và làm việc với Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu nền tảng Temu để yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật về thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về thương mại điện tử.
Sau đó, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã triển khai thực hiện một số biện pháp theo yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu); nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua Cổng thông tin online.gov.vn…
Không chỉ có Temu, năm qua, nhiều sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khác cũng đại náo thị trường Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên phương tiện truyền thông. Trước thực tế này, Tổng cục quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hoá (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Siết chặt hơn nữa
Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, phục vụ doanh nghiệp và người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, Bộ Công Thương đã xây dựng các hệ thống website quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực như: Hệ thống Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương (dichvucong.moit.gov.vn); hệ thống đăng ký website thương mại điện tử (online.gov.vn); hệ thống khiếu nại vụ việc cạnh tranh/khiếu nại vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng/khiếu nại vi phạm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (vcca.gov.vn); hệ thống lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản (legal.moit.gov.vn); hệ thống phản ánh, kiến nghị, khiếu nại website thương mại điện tử (chonghanggia.online.gov.vn)…
Các hệ thống này là kênh thông tin chính thức của Bộ Công Thương để cung cấp thông tin được xác thực tới cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Bộ Công Thương đã và đang tập trung xây dựng, cung cấp danh sách một số đường dây nóng liên quan đến các lĩnh vực do Bộ quản lý để doanh nghiệp và người dân tham khảo như: Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 18006838; đường dây nóng phản ánh, kiến nghị, khiếu nại về website thương mại điện tử 0242220551…
Tuy đã có nhiều giải pháp chặt chẽ song việc thực thi pháp luật vẫn gặp khó khăn, do chưa có khái niệm đồng bộ và thống nhất về nền tảng số trong lĩnh vực thương mại điện tử; khó khăn trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên các mô hình đặc thù thương mại điện tử xuyên biên giới; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử; chưa thống nhất quy định về cấp phép dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại điện tử; chưa có nội dung quy định cụ thể về phát triển thương mại điện tử bền vững…
Giới chuyên gia nhận định, thực tiễn này cần những giải pháp mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển nhanh, vượt bậc của thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập kinh tế, và việc xây dựng một bộ luật chuyên ngành thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết.
Theo đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Dự thảo luật đã đưa ra thêm biện pháp quản lý, trong đó quy định rõ về các hình thức hoạt động thương mại điện tử, chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; yêu cầu thêm trách nhiệm với chủ sàn thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng, cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng…
Đặc biệt, livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh của thương mại điện tử nhưng các quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có quy định riêng về chủ thể tham gia livestream. Do đó, người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể.
Trước đó, tại Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên sàn thương mại điện tử thông qua VneID.
Ông Hoàng Ninh cho rằng, việc định danh người bán trên thương mại điện tử qua VNeID là giải pháp nâng cao quản lý và kiểm soát nguồn hàng, chất lượng hàng hoá, giao dịch trên môi trường không gian mạng, mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Số lượng website và ứng dụng di động thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương xác nhận đã tăng từ 3.470 nền tảng vào năm 2014 lên 53.949 nền tảng vào năm 2024 (tăng khoảng 15,6 lần trong 10 năm). Đáng chú ý, số lượng website và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như các sàn giao dịch, nền tảng trung gian đã tăng từ 39 nền tảng lên 1.048 nền tảng, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên tới 26,9 lần trong cùng giai đoạn. |
Nguồn: https://congthuong.vn/lap-trat-tu-kinh-doanh-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-371233.html