Bà Kamitani Naoko, cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bén duyên với gốm Phù Lãng ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trong lần dự triển lãm đồ gốm ở thủ đô Hà Nội. “Khi đó, tôi bị mê hoặc ngay lập tức” – bà Kamitani Naoko nói và cho biết đồ gốm Phù Lãng có sự trang nhã và sang trọng.
Làng gốm 800 năm ở Bắc Ninh, nơi có dòng men da lươn nổi tiếng làm “mê hoặc” cán bộ ngoại giao Nhật Bản
Khương Lực
Chủ nhật, ngày 23/02/2025 14:36 PM (GMT+7)
Bà Kamitani Naoko, cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bén duyên với gốm Phù Lãng ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trong lần dự triển lãm đồ gốm ở thủ đô Hà Nội. “Khi đó, tôi bị mê hoặc ngay lập tức” – bà Kamitani Naoko nói và cho biết đồ gốm Phù Lãng có sự trang nhã và sang trọng.
CLIP: Làng gốm 800 năm ở Bắc Ninh làm “mê hoặc” cán bộ ngoại giao Nhật Bản

Làng gốm Phù Lãng ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có lịch sử gần 800 năm. Nổi danh với các sản phẩm gốm men da lươn có kích thước lớn như chum vại, bình gốm, lư hương, đỉnh, đài thờ… Trong làng Phù Lãng hiện có hơn 200 hộ sản xuất gốm. Ảnh: Khương Lực

Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc – Hà Bắc, ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang các nước bạn. Trong chuyến đi này, ông học được tinh hoa về nghề làm gốm và truyền dạy cho người dân trong nước. Đầu tiên nghề làm gốm được truyền dậy cho các cư dân đôi bờ sông Lục Đầu; sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ XIII) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung. Ảnh: Khương Lực

Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt. Cùng với màu men da lươn, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình. Năm 2026, làng gốm Phù Lãng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Khương Lực

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc cho biết, ông là thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống làm gốm truyền thống của các cụ ngày xưa. “Mỗi một thời kỳ đều có những thay đổi khác nhau, càng ngày gốm càng hiện đại hơn, đẹp hơn” – ông Ngọc nói và cho biết từ khi tiếp cận với dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ, ông cùng nhiều nghệ nhân, thợ trẻ trong làng đã sáng chế ra những dòng sản phẩm mới tinh, nhỏ, gọn nhằm giảm tiểu tiêu hao nguyên liệu về đất và nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Khương Lực

Chị Đăng Thị Tâm, chủ cơ sở sản xuất gốm Minh Tâm chia sẻ: “Qua sự giao lưu học hỏi giữa làng gốm Toho, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản với làng gốm Phù Lãng, mình đã làm sản phẩm nhỏ và tinh tế hơn. Từ đất, từ nước, từ chất liệu men làng gốm Phù Lãng kết hợp với công thức của Nhật Bản đã tạo ra một phong cách mới lạ và lớp men an toàn nên cả hai bên đã tạo nên một sự hài hòa, khi khách đến tham quan sẽ rất ưng sản phẩm gốm của quê hương Phù Lãng”. Ảnh: Khương Lực

Những sản phẩm gốm tinh tế có kích thước nhỏ hướng tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế được làm ra ngày càng nhiều, vừa tiết kiệm được nguyên liệu đất sét, củi nung, vừa có giá thành cao, đem lại thu nhập tốt hơn cho những người làm nghề gốm ở Phù Lãng. Ảnh: Khương Lực

Sau khi kết hợp với phong cách của gốm Nhật Bản, sản phẩm gốm Phù Lãng đưa ra nhiều chất liệu, chất men khác biệt hơn và đặc sắc hơn. Như sự kết hợp giữa gốm với sơn mài, dát vàng đã làm cho sản phẩm trở nên tinh tế hơn, chi tiết, họa tiết trên sản phẩm không bị thô quá và trở nên hòa quyện thành một thế thống nhất với sản phẩm. Ảnh: Khương Lực

Sản phẩm đồ gốm Phù Lãng hiện có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã, hình dáng và tính ứng dụng ngày càng cao. Ảnh: Khương Lực

Nghệ nhân Trần Thị Luận – người con ưu tú ở làng gốm Phù Lãng dù đã bước sang tuổi 94, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh tường, bàn tay khéo léo chuốt ra chiếc liêu rất đẹp. Ảnh: Khương Lực

Khác với đất sét xanh ở Thổ Hà, đất sét trắng của Bát Tràng, đất sét của Phù Làng là đất sét đỏ hồng được lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) được vận chuyển bằng đường sông, sau đó đưa về các bến bãi ở làng Phù Lãng. Trải qua 4-5 công đoạn sàng lọc sỏi đá, chất đất sẽ mịn và có độ dẻo để các bác thợ, nghệ nhân tạo hình, chế tác sản phẩm gốm theo ý tưởng của mình. Ảnh: Khương Lực

Lễ hội gốm Phù Lãng với chủ đề “Nơi sắc gốm vươn xa”, diễn ra từ ngày 22-25/2 do Hợp tác xã dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng tổ chức có sự tham gia của các đơn vị hợp tác như: Hiệp hội gốm Koishihara, Công ty Onimaru Setsuzan Kamamoto, Làng Toho ( Nhật Bản) với nhiều hoạt động thiết thực. Ảnh: Khương Lực

Du khách tới lễ hội gốm Phù Lãng sẽ được giới thiệu về lịch sử của làng gốm cổ Phù Lãng; khai trương lò củi mới áp dụng công nghệ Nhật Bản kết hợp với nguyên liệu tại làng gốm Phù Lãng và tham quan xưởng gốm của các cơ sở làm gốm tại làng nghề; tìm hiểu quy trình chế tác gốm, từ tạo hình, trang trí đến nung đốt; trải nghiệm làm gốm trên bàn xoay, quá trình tạo ra các sản phẩm… Ảnh: Khương Lực

Phát biểu tại lễ hội gốm Phù Lãng ngày 22/2, bà Kamitani Naoko – cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, bà bén duyên với gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh trong một lần dự triển lãm đồ gốm tại một bảo tàng ở thủ đô Hà Nội. “Khi đó, tôi bị mê hoặc ngay lập tức” – bà Kamitani Naoko nói và cho biết đồ gốm Phù Lãng có sự trang nhã và sang trọng. Ảnh: Khương Lực

Là người có 3 lần đến làng gốm Phù Lãng, ông Suga Yoshinori (đứng thứ 5 từ bên trái sang) – Phó làng Toho, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản chia sẻ: “So với năm trước tôi đến, sản phẩm hoàn toàn khác biệt, có sự cải thiện rất rõ rệt từ men, từ hình dạng, mọi người đều thay đổi hình dáng, thay đổi phong cách cực kỳ tốt”. Ảnh: Khương Lực

Có khoảng 80 học viên được lựa chọn tham gia khóa đào tạo do các nghệ nhân làng gốm Toho trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật làm gốm Nhật Bản kết hợp với kỹ thuật truyền thống của làng nghề Phù Lãng. Những trải nghiệm trong những ngày tham gia khóa đào tạo ở làng gốm Toho cho đội ngũ học viên thêm kinh nghiệm về phương pháp nâng cao giá trị sản phẩm qua cách giới thiệu sản phẩm, cách chọn công năng và không gian sắp đặt, bài trí sản phẩm. Ảnh: Khương Lực

Chị Lê Thị Kiều (bên phải) – người có quê ngoại ở Bắc Ninh, từng học chuyên ngành Việt Nam học nên am hiểu nhiều về văn hóa và nghề làm gốm ở Việt Nam. “Tôi mới ở Nhật Bản về tầm 5 tháng và cũng có tiếp xúc với gốm Nhật Bản, cũng có tiếp xúc với gốm ở Việt Nam và đúng là người Nhật sẽ nói đến sự “mê hoặc” tại vì sao, tại vì văn hóa Việt Nam, phong cách của người Việt trên sản phẩm gốm nó đặc sắc hơn so với gốm Nhật. Gốm Nhật đơn điệu hơn, nhưng sau khi về Việt Nam kết hợp với phong cách, văn hóa của Việt Nam thì nó trở nên đặc sắc hơn nên tại sao khi người Nhật nhìn vào gốm và chất liệu gốm của người Việt thì lại cảm thấy mê hoặc đến như vậy”. Ảnh: Khương Lực
Nguồn: https://danviet.vn/lang-gom-800-nam-o-bac-ninh-noi-co-dong-men-da-luon-noi-tieng-lam-me-hoac-can-bo-ngoai-giao-nhat-ban-20250222195352264.htm