Kinhtedothi – Sáng 18/2, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thống nhất thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 điều, trong đó làm nổi bật vai trò, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo đó, Luật quy định, Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định…
Chính phủ tổ chức bộ máy hành chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan cấp trên.
Luật phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Luật quy định, trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội trong thời gian gần nhất.

Thủ tướng cũng trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ.
Về hình thức hoạt động của Chính phủ, Luật quy định, Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên; họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ.
Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn bản. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước…
Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/3/2025.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật đã thiết kế rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện theo các quy định của Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, làm nổi bật nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ.
Điểm mới trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực. Chính phủ phân công phạm vi quản lý Nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phạm vi quản lý, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.
Đồng thời, Chính phủ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và chính quyền địa phương; bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội đã được Quốc hội thông qua.
Với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương, thì chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân quyền.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-lam-noi-bat-nhiem-vu-cua-thu-tuong-chinh-phu.html