Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới trở thành “liều thuốc” để kinh tế Việt Nam sớm phục hồi. Năm 2023, xuất khẩu khó khăn nhưng các FTA thế hệ mới vẫn đang được kỳ vọng là “phao cứu sinh” giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng.
nhờ thực thi EVFTA, xuất khẩu sang EU năm 2022 đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước; xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước. (Nguồn: CT) |
“Đòn bẩy” cho xuất khẩu
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập sâu rộng về kinh tế, thành tích nổi bật nhất mà chúng ta đạt được là tăng trưởng xuất khẩu nhờ tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).
Từ sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 FTA và đang đàm phán 3 FTA mới. Trong đó, khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) là FTA đầu tiên Việt Nam tham gia – cột mốc giúp Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng và cũng là bước đột phá cho quá trình tham gia các FTA sau này.
Việc tham gia các FTA như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… hứa hẹn tăng trưởng đột phá cho xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong số các FTA đã ký thì AFTA có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan cao nhất – 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (nếu tính cả mặt hàng xăng dầu, lộ trình này là 25 năm). FTA có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan thấp nhất – 74% là FTA ASEAN-Ấn Độ, với lộ trình thực hiện là 14 năm. Các FTA còn lại có tỷ lệ xóa bỏ thuế quan khoảng từ 86%-93% với lộ trình thực hiện từ 11-17 năm.
Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các thị trường có FTA đã tăng mạnh mẽ. Năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 7 tỷ USD. Đến hết năm 2019 (sau 1 năm CPTPP có hiệu lực), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA là 123,11 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các thị trường FTA đạt 480 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2020 và chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới.
Đến năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 372 tỷ USD. Trong đó, các FTA thế hệ mới đã giúp Việt Nam gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu, với mức tăng trưởng trên 20%, một số thị trường tăng trên 30% – cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Năm 2022, xuất siêu sang các thị trường FTA mới là trên 30 tỷ USD.
Lực đẩy từ các FTA đã giúp kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 có nhiều điểm sáng, đạt 79,17 tỷ USD… Các FTA này được kỳ vọng là chìa khóa có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu hàng Việt.
Báo cáo cho thấy, nhờ thực thi EVFTA, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) năm 2022 đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước; xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước.
Nhờ tận dụng UKVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam đã thu hàng ngàn tỷ đồng từ các thị trường mà nước ta có FTA. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau, quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí một số thị trường trên 30% – cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường có FTA.
Quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sụt giảm. Song, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các FTA để gia tăng kim ngạch. Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều địa phương sang các thị trường FTA thế hệ mới trong 2-3 năm qua gia tăng đáng kể. Có những địa phương ghi nhận tăng trưởng 2 con số cùng tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới trở thành “liều thuốc” để kinh tế Việt Nam sớm phục hồi. Năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới suy giảm, xuất khẩu khó khăn nhưng các FTA thế hệ mới vẫn đang được kỳ vọng là “phao” giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng.
Khảo sát công bố năm 2022 của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và tận dụng hiệp định thương mại tự do KTP (KTPC) cho thấy, gần 86% doanh nghiệp đánh giá, hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng đáng kể so với mức gần 47% năm 2016.
Theo Tập đoàn Lộc Trời, nhờ EVFTA, năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu 24.000 tấn gạo sang EU, cao gấp nhiều lần thời điểm chưa có EVFTA (năm 2018, tập đoàn này chỉ xuất khẩu 2.000 tấn gạo sang EU).
Tối đa hóa lợi ích
Đối tác mà Việt Nam ký FTA đã mở rộng nhưng tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan đang có xu hướng giảm, từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 giảm xuống 32,7% năm 2021. Năm 2022, có thị trường hoặc mặt hàng, tỷ lệ này chỉ còn 22%-24%.
Bộ Công Thương đánh giá, dù giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA mới như EU, Anh, Canada, Mexico tăng trưởng tốt nhưng tỉ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, tỉ lệ tận dụng các FTA còn rất thấp. Cụ thể, tỉ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA mới đạt 20%, UKVFTA là hơn 22% và CPTPP mới chỉ 6%. Bởi lẽ, vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp Việt khó tận dụng ưu đãi từ các FTA.
Các loại rau gia vị của Việt Nam được bày bán tại cửa hàng thực phẩm châu Á tại Bỉ. (Nguồn: TTXVN) |
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường CPTPP thì hiện nay, dệt may vẫn là nhóm hàng mà tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP thấp (xơ sợi là 33% nhưng các mặt hàng dệt may thì chỉ có trên 10%) và gần như không tăng trong 3 năm qua.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả thực hiện một số FTA thế hệ mới cho thấy, chỉ 29% doanh nghiệp có giao dịch xuất nhập khẩu với các nước CPTPP từng có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định.
Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều địa phương còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP, EVFTA. Như vậy, dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA mới đi vào thực thi gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… còn rất lớn.
Để tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA, bà Đỗ Thị Thu Hương nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như ưu đãi thuế quan theo từng hiệp định; quan tâm, tìm hiểu các quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan…
Chuyên gia này cho rằng, cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp và cần tạo được cơ chế kết nối giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa cơ quan nhà nước với hiệp hội doanh nghiệp.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, để hội nhập sâu và tận dụng tốt hơn các FTA, doanh nghiệp cần tìm thêm các mặt hàng có thể tận dụng trong chuỗi giá trị hiện nay để xuất khẩu nhiều hơn.
Về phía địa phương, để thúc đẩy tiến trình hội nhập, khai thác hiệu quả hơn các FTA, các địa phương nên xác định những mặt hàng chiến lược để có cơ chế tập trung hỗ trợ; cần xây dựng bộ chỉ số FTA Index để thay đổi tư duy, cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tận dụng FTA.
Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index). Đây được coi là một trong những thước đo hữu hiệu để xác định mức độ tận dụng ưu đãi tại các địa phương, đồng thời giúp điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể.
Bên cạnh việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực, năm 2023, Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh đàm phán các FTA mới để mở cửa các thị trường tiềm năng.
Mở rộng các thị trường mới
Có thể thấy, thị trường mới đang là mảnh đất tiềm năng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Đơn cử, tại thị trường châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt hơn 141 triệu USD, giảm 7,8% so với năm 2021.
Những mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê, hóa chất, hàng thủy sản, kim loại và sản phẩm hạt tiêu. Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được mặt hàng gạo trở lại, đạt kim ngạch hơn 218.000 USD sau khi năm 2021 không thâm nhập được thị trường này.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo, với thị trường châu Á, châu Phi, để tận dụng tốt các FTA thì doanh nghiệp phải bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ – thị trường có sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Hoặc thị trường châu Phi với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên đến 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.
Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước có ký kết FTA với Việt Nam đều khuyến cáo các doanh nghiệp Việt cần lưu ý để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu hàng hoá. Hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa và của EU.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu; tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường; thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị đối với thị trường hợp tác để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.