Với sự việc hơn 4.000 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư điều chỉnh chính sách thu nhập tăng thêm, chuyên gia cho rằng đây là đòi hỏi chính đáng nhưng cần nhìn một bức tranh tổng thể hơn…
Hơn 4.000 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư điều chỉnh chính sách thu nhập tăng thêm: Ý kiến chuyên gia
Chia sẻ với PV báo Dân Việt liên quan đến hơn 4.000 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư điều chỉnh chính sách thu nhập tăng thêm, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: “Giáo viên công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bất di bất dịch không có khoản nào khác. Trường tự chủ tài chính do các trường tính thêm phần thu nhập tăng thêm của giáo viên. Giáo viên dạy nhiều sẽ được nhiều. Chúng ta phải phân biệt rành mạch, rõ ràng, cụ thể.
Tôi ủng hộ Nghị quyết của UBND thành phố Hà Nội. Đã là trường tự chủ tài chính thì do Hội đồng trường chi trả cho giáo viên. Những vị trí việc làm khác nhau thì có những chế độ khác nhau”.
![Hơn 4.000 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư điều chỉnh chính sách thu nhập tăng thêm: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/La-doi-hoi-chinh-dang.jpg)
Giáo viên Hà Nội mong đợi điều chỉnh chính sách thu nhập tăng thêm. Ảnh: NVCC
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Sẽ không thể có sự công bằng tuyệt đối trong mọi hoạt động, hành động. Chúng ta cần nhìn một bức tranh chung tổng thể hơn”.
PGS Nam nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn thông hiểu với những đòi hỏi chính đáng của người giáo viên nhưng tôi ủng hộ phương án trách nhiệm chính của vấn đề này là người đứng đầu Nhà trường. Hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình về quá trình chi trả theo cơ chế tự chủ và tìm nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa hoặc đề xuất cơ chế đặc thù cho giáo viên của mình.
Tôi thấy rằng đã được tự chủ đồng nghĩa với việc cũng có nhiều lợi ích, thế mạnh hơn những cơ sở giáo dục chưa tự chủ. Việc đòi hỏi là chính đáng nhưng thu nhập tăng thêm của trường tự chủ phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị. Tùy thuộc vào tài năng của người đứng đầu và sự sáng tạo linh hoạt của đội ngũ. Miễn là cần minh bạch công thức phân phối, xác định cái gì là tăng thêm trong tổng số kinh phí thực nhận của người giáo viên”.
Trước đó, một chuyên gia giáo dục cũng cho rằng: “Nghị quyết đưa ra đã có quá trình thẩm định, có tờ trình, có nhiều ý kiến nên tôi cho rằng quy trình đã rất chặt chẽ, tính đến mọi đối tượng. Tuy nhiên ngành Giáo dục hoàn toàn có quyền đề xuất với UBND thành phố đưa ra những quyết định có tính đặc thù cá biệt riêng với ngành để nâng cao đời sống với giáo viên vùng xa, vùng khó khăn”.
Hơn 4.000 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư điều chỉnh chính sách thu nhập tăng thêm: “Chúng tôi quá thiệt thòi”
Năm học 2024-2025, Hà Nội có 378 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thực hiện thí điểm đặt hàng theo giá dịch vụ giáo dục. Số lượng giáo viên viết tâm thư không được nhận tiền thu nhập thêm hiện tại lên tới hơn 5.000 người.
Theo chia sẻ của đại diện nhóm giáo viên viết tâm thư: “Ngoài lương, phụ cấp, các trường tự chủ 1 phần hoặc tự chủ hoàn toàn trong 378 trường thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục, sẽ có thêm một khoản gọi là tăng thu nhập. Số tiền này được lấy từ quỹ bình ổn thu nhập theo hướng dẫn tại Điều 14, Thông tư 60. Tuy nhiên, năm nay rất nhiều trường không có khoản tiền này, ví dụ: THPT Phú Xuyên A, THPT Phúc Thọ hoặc PTDT Nội trú Hà Nội… các trường còn lại thì dao động trong khoảng 2-10 triệu đồng cho cả năm.
Chúng tôi cho rằng, đã là tự chủ thì đơn vị phải tự thu, tự chi, tự cân đối tài chính… khi đó nhà trường hoạt động như một doanh nghiệp chứ không như thời điểm này. Chúng tôi hưởng lương từ ngân sách nhưng lại bị xếp vào nhóm tự chủ 100% và bị cắt mọi chế độ đãi ngộ từ Nhà nước. Chúng tôi có còn được gọi là viên chức giáo dục không? Cùng sử dụng ngân sách địa phương để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của địa phương nhưng có tỉnh thành tất cả viên chức đều được hưởng tại sao Hà Nội lại gạt giáo viên chúng tôi ra?.
Chăm lo cho giáo dục vốn được xem là quốc sách hàng đầu. Việc các địa phương tìm mọi cách nâng cao đời sống cho giáo viên là thể hiện quyết tâm biến khẩu hiệu thành hiện thực. Chăm lo cho giáo dục, nâng cao đời sống giáo viên cũng là đảm bảo an sinh xã hội. Việc hàng vạn giáo viên bị gạt ra khỏi đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm của thành phố vì lý do tự chủ là không hợp lý, hợp tình. Giáo viên cảm thấy bị bỏ rơi”.
Cô Nguyễn Thị Minh, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, huyện Ba Vì, Hà Nội khẳng định: “Là 1 viên chức của Thủ đô, chúng tôi đang rất mừng vì nghĩ rằng mình sẽ có thêm thu nhập từ khoản tăng thu nhập của thành phố. Nhưng khi đọc Nghị quyết 46 có giới hạn đối tượng hưởng, chúng tôi thực sự rất buồn vì thấy mình bị đối xử bất bình đẳng.
Mặc dù là đơn vị thí điểm tự chủ nhưng với trường tôi mỗi tháng khéo lắm có khoảng 400.000 đồng mà lại bị cắt khoản tiền của thành phố thì chúng tôi quá thiệt thòi. Chúng tôi rất mong lãnh đạo thành phố xem xét thay đổi đối tượng hưởng để chúng tôi được đối xử công bằng như các viên chức khác”.
Nguồn: https://danviet.vn/hon-4000-giao-vien-ha-noi-gui-tam-thu-dieu-chinh-chinh-sach-thu-nhap-tang-them-la-doi-hoi-chinh-dang-20250207082925533.htm