Nguồn vốn đầu tư công được Chính phủ dự chi năm 2025 tiếp tục tăng so với năm trước để đầu tư hạ tầng được xem là cơ hội lớn của các doanh nghiệp giao thông trong nước.
Kết thúc năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,09%. Theo các chuyên gia, đây là mức tăng có ý nghĩa quan trọng làm tiền đề cho năm 2025 với mục tiêu GDP tăng từ 8% trở lên và đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Nhằm đạt mục tiêu kỳ vọng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, việc đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế, đặc biệt hạ tầng giao thông được xem là khâu đột phá.
Trong 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chính phủ yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Theo kế hoạch, năm 2025, Chính phủ dự chi hơn 790.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, tăng đáng kể so với của năm 2024.
Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các cơ quan triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông được dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV cho biết, đơn vị đang đảm nhiệm thực hiện 3 dự án lớn là: Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (dài 93km), Hữu Nghị – Chi Lăng (dài 27km) và Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (dài 88km), phấn đấu thông tuyến vào cuối năm 2025.
Riêng tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD) dự kiến khởi công năm 2027, vốn ngân sách được xác định đóng vai trò chủ đạo.
Xác định đây là dự án quy mô lớn, phức tạp, tích hợp nhiều chuyên ngành, HHV đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu cơ hội tham gia.
Cụ thể, về nguồn nhân lực, HHV đã hợp tác với các trường đại học trong nước, khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt – metro, mở đầu cho chuỗi hoạt động phát triển nhân lực cho ngành giao thông thông qua mô hình đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, kỹ sư thực chiến và các nhà quản lý ngay tại các trung tâm huấn luyện thực hành trên công trường; tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt – metro của các nước tiên tiến như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… nhằm chọn lọc, “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia đào tạo”, ông Huy thông tin.
Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Đèo Cả, HHV cũng tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản và Trung Quốc.
Mục tiêu hợp tác là chuyển giao công nghệ quản lý vận hành và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “nội địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường Việt Nam. Để thu hẹp khoảng cách công nghệ, HHV tập trung vào chuyển đổi số, áp dụng các giải pháp tiên tiến trong thi công hầm, cầu đường, và quản lý dự án như hệ thống giao thông thông minh (ITS), mô hình thông tin công trình (BIM).
Được biết, HHV đã hoàn thành và đang quản lý vận hành 31km hầm đường bộ và 472km cao tốc, quốc lộ.
Dự kiến đến cuối năm 2025, doanh nghiệp này sẽ hoàn thành thông tuyến thêm 207km đuờng cao tốc và tiếp nhận quản lý vận hành thêm hàng trăm km đường cao tốc Bắc – Nam.
Về năng lực tài chính, năm 2024, HHV ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2023.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ky-vong-lon-cua-doanh-nghiep-giao-thong-tu-nguon-von-dau-tu-cong-192250210181350248.htm