Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm nay, phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP đạt trên 5%.
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh: Việt An) |
Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã đi được ba phần tư quãng đường của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như tình hình kinh tế thế giới có triển vọng tiêu cực, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, tình trạng trì trệ của các nền kinh tế khu vực Eurozone và việc tăng lãi suất 0,25% điểm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023 do đợt nắng nóng đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 0,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (tương đương khoảng 1,4 tỷ USD) do thiếu điện, hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn vốn hay vấn đề hoàn thuế VAT chậm trễ….
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp gỡ khó
Trước những khó khăn như vậy, PGS. TS. Trần Đình Thiên đánh giá, sự đồng hành của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất, kinh doanh.
PGS. TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận: “Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã bám sát phương châm đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, các địa phương khẩn trương ban hành triển khai thực hiện, khắc phục những điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh”.
Trao đổi với phóng viên TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những khó khăn chồng chất từ bên ngoài đang gây áp lực lớn cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023.
“Trước những khó khăn này, có thể thấy rõ sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt từ cấp cao nhất nhằm khơi thông các động lực để thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Việt nhấn mạnh.
Theo Phó Viện trưởng VEPR, về vĩ mô, chính sách giảm, giãn các khoản thuế, phí và các nghị quyết, chỉ đạo liên tục tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc giảm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, kích thích cầu tiêu dùng trong nước, qua đó góp phần khôi phục từng bước đà phục hồi tăng trưởng của 2 quý gần đây.
Lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, giúp chỉ tiêu này cao hơn đáng kể so với các năm trước đó, đây là một điểm sáng thành công của năm 2023.
Động lực tăng trưởng vẫn phải đến từ khu vực doanh nghiệp và đầu tư xã hội. (Nguồn: VASEP) |
Động lực đến từ khu vực doanh nghiệp
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm nay, phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP đạt trên 5%.
Nhận định về kết quả này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với bất lợi cả từ bên ngoài và bên trong, mức tăng trưởng 5% là rất đáng trân trọng.
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu phấn đấu và triển khai 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp. Trong đó, 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn giá trị hiện hữu.
Về thể chế, Quốc hội và Chính phủ đã và đang rất nỗ lực và có bước tiến khi xây dựng và xem xét thông qua bình quân 8-9 dự án luật và nhiều nghị quyết ở mỗi kỳ họp. Trong đó có những cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Về hạ tầng, năm 2023, vốn đầu tư phát triển tăng 40% so với năm 2022, quyết tâm trong kỳ trung hạn sẽ triển khai hết 2,87 triệu tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngoài ra cần “xin thêm” vì bối cảnh hiện tại đầu tư công là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn, làm bệ phóng tăng tốc cho kỳ kế khoạch 2026-2030. Để tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi tường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm logistic… thì nên cần tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.
Bên cạnh hạ tầng kinh tế, giao thông thì hạ tầng số cần được quan tâm để phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhất là những đầu tàu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
TS. Nguyễn Quốc Việt cũng khuyến nghị, trong bối cảnh chung của kinh tế Việt Nam, cần nhìn nhận lại những động lực tăng trưởng từ bên trong, nhất là các động lực nhằm bảo đảm sự tự chủ nền kinh tế.
TS. Việt nêu quan điểm: “Động lực tăng trưởng vẫn phải đến từ khu vực doanh nghiệp và đầu tư xã hội (bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước lẫn đầu tư nước ngoài). Do vậy, phải kiên quyết khai thông sức sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế nói chung, để phát huy sức mạnh nội lực của hệ thống doanh nghiệp trong nước, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Song song với đó, cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của khu vực tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”.
Về đầu tư công, Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, để giải quyết căn cơ việc chậm giải ngân đầu tư công, theo ông Việt, cần phải có những đột phá trong cách tiếp cận vấn đề, trong cách làm và có phương án quản trị rủi ro. Trong xây dựng kế hoạch dự án, cần có phân tích, đánh giá rủi ro cũng như đánh giá tác động tổng thể để tránh phải giải quyết vấn đề mang tính tình huống như tình trạng thiếu nguyên liệu, biến động giá cả…