Phát triển kinh tế số được xem là biện pháp tối ưu nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành một nước phát triển. Kinh tế số được kỳ vọng là chìa khóa để đưa nước ta tiến tới kỷ nguyên vươn mình. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng về vấn đề này.
Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google chỉ ra, quy mô kinh tế số năm 2024 của Việt Nam đạt những kết quả ấn tượng. Cụ thể, mức tăng trưởng dự kiến là 16%, cùng với đó tổng giá trị giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 36 tỷ USD. Xin ông cho biết, đâu là động lực giúp cho nền kinh tế số của nước ta đạt được những kết quả như trên?
Tôi tin rằng kết quả trên phản ánh một loạt các động lực chiến lược và nỗ lực phối hợp từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Động lực đầu tiên và quan trọng nhất là sự phát triển đồng bộ của hạ tầng công nghệ số. Trong năm 2024, việc phổ cập mạng 5G đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, không chỉ thúc đẩy khả năng kết nối internet nhanh hơn, ổn định hơn, mà còn mở ra hàng loạt cơ hội ứng dụng công nghệ cao như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng như sản xuất, thương mại và y tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong quản lý. Ngoài ra, sự bùng nổ của các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán số và logistics đóng vai trò như một động lực thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
Cuối cùng, nguồn nhân lực trẻ, năng động với hơn 1,5 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng các chương trình đào tạo kỹ năng số được đẩy mạnh, đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Kết hợp tất cả những yếu tố này đã tạo nên một nền kinh tế số với sức bật mạnh mẽ và triển vọng phát triển bền vững.
Vậy công nghệ 5G sẽ đóng vai trò ra sao trong việc giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP, thưa ông?
Vai trò của 5G không chỉ đơn thuần là nâng cao tốc độ kết nối mà còn mang đến những thay đổi mang tính cách mạng cho toàn bộ các ngành kinh tế. Công nghệ này tạo ra một hệ sinh thái công nghệ mới, nơi các ứng dụng IoT, AI và dữ liệu lớn có thể hoạt động hiệu quả trên quy mô lớn. Điều này thúc đẩy tự động hóa trong sản xuất và logistics, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động, giảm chi phí vận hành, tăng năng lực cạnh tranh.
5G cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành dịch vụ y tế từ xa, giáo dục trực tuyến và thương mại điện tử. Đặc biệt, 5G còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và vận hành các thành phố thông minh. Các hệ thống giao thông thông minh, quản lý năng lượng, giám sát an ninh, và quản lý môi trường đều có thể hoạt động hiệu quả nhờ mạng lưới IoT kết nối với tốc độ cao và độ tin cậy của 5G. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn giúp các đô thị tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu lãng phí.
Đáng chú ý, việc triển khai 5G cũng sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp mới như xe tự hành, giải trí số (streaming chất lượng cao, trò chơi điện tử trực tuyến), không chỉ giúp tăng cường giá trị kinh tế mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Với những tác động sâu rộng như vậy, 5G chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược kinh tế số quốc gia cũng như mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP.
“Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025” xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực trọng điểm như thương mại, nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến – chế tạo, du lịch, logistics. Theo ông, Việt Nam cần khắc phục những điểm nghẽn gì để sớm hiện thực hóa được yêu cầu nêu trên?
Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều thách thức lớn cần giải quyết để thúc đẩy kinh tế số phát triển đồng đều và hiệu quả trên các ngành, lĩnh vực. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất là sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng dữ liệu. Mặc dù chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như dân cư, bảo hiểm xã hội và đất đai, nhưng các cơ sở này vẫn chưa được kết nối toàn diện.
Tình trạng dữ liệu phân tán và không liên thông không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý mà còn cản trở khả năng khai thác và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Điều này đòi hỏi một nỗ lực lớn trong việc chuẩn hóa, đồng bộ hóa và tích hợp các hệ thống dữ liệu hiện có. Bên cạnh đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn vi phạm an ninh mạng và quản lý dữ liệu xuyên biên giới vẫn là những thách thức lớn cần được giải quyết.
Nguồn nhân lực chất lượng cao không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cũng là một trong những điểm nghẽn cần khắc phục. Dù sở hữu lực lượng lao động trẻ, năng động, nhưng kỹ năng chuyên sâu về công nghệ số, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain và phân tích dữ liệu lớn, vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số ngành kinh tế như nông nghiệp và công nghiệp chế biến vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng của công nghệ số do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Nền kinh tế nước ta phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai các dự án chuyển đổi số, đây cũng là điểm nghẽn cần sớm được giải quyết.
Thưa ông, trong thời gian tới, Nhà nước cần làm gì để nền kinh tế số trở thành động lực quan trọng để nước ta phát triển nhanh, bền vững, cũng như đóng vai trò dẫn dắt Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới?
Để kinh tế số trở thành động lực phát triển trong tương lai, Nhà nước cần triển khai một chiến lược toàn diện với các giải pháp đồng bộ trên nhiều phương diện. Trước hết, việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số là yếu tố tiên quyết. Nhà nước cần xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như phát triển các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc; Đồng thời, cần tăng cường đầu tư vào các khu công nghệ cao, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ phát triển và đổi mới.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là một yêu cầu cấp thiết. Việt Nam đã thông qua Luật Dữ liệu, tuy nhiên cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền sở hữu dữ liệu, và an ninh mạng. Điều này không chỉ đảm bảo một môi trường pháp lý minh bạch mà còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án công nghệ tại Việt Nam. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế giám sát và xử lý vi phạm hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong không gian số.
Cũng cần chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số, cơ quan quản lý cần triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số từ cấp phổ thông đến đại học, đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc thúc đẩy các chương trình học bổng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cũng sẽ góp phần tạo nên một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế số.
Cuối cùng, Chính phủ cần khuyến khích hợp tác công – tư trong quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ và tổ chức xã hội cần được tạo điều kiện tham gia vào các dự án lớn, từ xây dựng hạ tầng số đến phát triển dịch vụ công trực tuyến. Điều này không chỉ tận dụng được nguồn lực xã hội mà còn đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững cho nền kinh tế số Việt Nam, qua đó góp phần dẫn dắt nước ta bước vào một kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-so-dong-luc-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-moi-160057.html