Moskva nhận nhiều tín hiệu tích cực đầu năm, khi sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu đều khởi sắc, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hôm 1/4, S&P Global công bố Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Nga, cho thấy ngành sản xuất ở đây tiếp tục phục hồi. Theo đó, PMI tháng 3 đạt 55,7 điểm. Con số này tăng so với 54,7 hồi tháng 2 và cao nhất từ tháng 8/2006.
Nhu cầu nội địa lên cao giúp ngành sản xuất Nga hồi sinh. Tháng 3, số đơn hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tăng từ tháng 10/2023.
Ngân hàng Trung ương Nga hôm 1/4 cũng công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 3. Trong đó, cơ quan này nhận xét kinh tế tăng tốc trong các tháng đầu năm. Đó là nguyên nhân họ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng trước.
Giá hàng hóa và xuất khẩu phục hồi, là nguồn thu chính của Điện Kremlin khi chiến sự vẫn tiếp diễn. “Các số liệu gần đây cho thấy kinh tế Nga đã thích ứng được với quy trình thanh toán và logistics phức tạp. Xuất khẩu hồi phục và nguồn thu ngoại hối cũng vậy”, biên bản viết.
Giới chức nước này cho biết họ ngạc nhiên khi chứng kiến tiêu dùng sôi động, nhờ thu nhập hộ gia đình và các khoản vay tăng. Tiết kiệm cũng tăng lên.
Ngân hàng Trung ương Nga nhận định tăng trưởng đầu tư và tình hình tài chính của nhóm doanh nghiệp lớn nhất nước đang ổn định. Dựa trên khảo sát tháng trước, chỉ số môi trường kinh doanh do cơ quan này theo dõi ở mức tốt nhất 12 năm qua.
Tháng trước, nhà băng này giữ nguyên lãi suất ở mức 16%, nhằm ghìm rủi ro lạm phát. Trong báo cáo hôm qua, cơ quan này không đưa ra dự báo chính sách tiếp theo. Họ chỉ cho biết “chính sách tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt thêm một thời gian nữa”.
Nga hiện là nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Dù vậy, họ đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây trong lĩnh vực năng lượng, sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.
Gần đây, Mỹ siết kiểm soát việc thực thi trần giá bán với dầu và các sản phẩm từ dầu Nga. Washington đã trừng phạt nhiều tàu, chủ tàu và thương nhân tham gia giao dịch dầu Nga. Việc này khiến Ấn Độ – khách hàng lớn của dầu Nga – từ chối mua một số lô hàng và không nhận dầu từ các tàu liên quan đến Sovcomflot. Đây là hãng vận tải biển của Nga bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt.
Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy Nga đã giảm thiểu được tác động từ lệnh trừng phạt. Tháng trước, Ấn Độ là nước mua nhiều dầu Nga nhất. Tổng dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển 4 tuần qua đạt trung bình 3,2 triệu thùng mỗi ngày. Con số này xấp xỉ tháng trước đó.
Hôm 1/4, hãng thông tấn Nga TASS cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo chính phủ đảm bảo nước này lọt top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo GDP ngang giá sức mua (PPP), muộn nhất vào năm 2030.
Năm ngoái, GDP Nga tăng 3,6%, cao hơn nhiều nước phương Tây. Còn GDP tính theo PPP của nước này là 5.060 tỷ USD, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này đứng thứ 6 thế giới.
Dù có nhiều diễn biến tích cực, nước Nga vẫn đối mặt với nguy cơ bị giảm vốn đầu tư nước ngoài. Đó là lý do Ngân hàng Trung ương Nga quyết định “duy trì trạng thái thắt chặt tiền tệ để cân bằng và kiểm soát các động lực xuất khẩu”.
Một số nhà máy lọc dầu Nga đang phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, do bị Ukraine tấn công. Tốc độ lọc dầu của nước này tuần trước rơi xuống thấp nhất 10 tháng, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Hà Thu (theo Reuters, TASS)