Chị Minh Hằng (quận 7, TP.HCM) cũng tự nhận thấy mình ngày càng trở thành người… nhiều lời.
Trong bài báo mới đây cho biết “Phát hiện mới: Phụ nữ chỉ nói nhiều hơn đàn ông khi họ 25-65 tuổi”, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng vì nhiều lý do phụ nữ khi yêu thỏ thẻ dịu dàng nhưng sau khi làm vợ, làm mẹ họ trở lên nhiều lời.
“Tôi cũng không hiểu sao bản thân mình cũng thấy ngày càng nói nhiều hơn trước khi chưa lập gia đình. Đặc biệt sau khi sinh con, tần suất nói của mình cũng tăng hơn nhiều lần. Có quá nhiều điều khiến mình không thể không nói. Từ việc dạy dỗ con cái, đến những việc phải càm ràm ông xã, khiến mình nói hơi nhiều”, chị Thu Hà (quận 4, TP.HCM) chia sẻ.
Bỗng thấy mình cũng… khác
Chị Thu Hà chia sẻ việc tự mình cũng cảm nhận mức độ và tần suất nói nhiều của mình kể từ ngày làm vợ, làm mẹ.
“Khi yêu nhau, những câu chuyện của hai người chủ yếu là những đề tài lãng mạn thì làm sao có thể nói nhiều? Hoặc lúc đó cũng chưa có cơ hội để thể hiện hết bản chất con người của nhau. Người ta thường tốt khoe xấu che, nhất là lúc đang yêu. Ai mà phô hết tật xấu mình đâu.
Thực tế cuộc sống gia đình khi có con cái, áp lực cơm áo, gạo tiền làm sao còn màu hồng như thuở còn yêu”, chị Thu Hà bày tỏ.
Chị cũng cho biết từ ngày bà ngoại giúp chăm con gái đầu lòng được hơn một tháng phải về quê, hai vợ chồng chị phải tự chăm sóc con nên cũng từ đấy chị thấy mình hơi… nhiều lời.
“Chăm con nhỏ thường phải thức giấc ban đêm, phần nào tinh thần cũng như sức khỏe đều bị ảnh hưởng. Tự tôi còn thấy mình thay đổi và nói nhiều hơn trước vì phải chăm con, đôi khi còn là những lời la mắng do không kiềm chế được cảm xúc. Những lúc không hài lòng với ông xã, tôi cũng nói ra luôn chứ không tài nào nhịn được”, chị cười xòa.
Còn với chị Minh Hằng (quận 7, TP.HCM) cũng tự nhận thấy mình ngày càng trở thành người… lắm lời.
“Thử có ông chồng đi làm về, thường cắm mặt vào điện thoại chơi game hoặc xem tin tức, mặc kệ mẹ con nhà tôi muốn làm gì thì làm. Nhà có hai con nhỏ sinh gần nhau, thường xuyên phải la hét vì cả hai đứa nhỏ giành đồ chơi. Có hôm tụi nhỏ còn choảng nhau nữa.
Mình cũng đi làm về, đón con rồi vào bếp. Còn ông xã thản nhiên chẳng làm gì. Thử hỏi sao mình không giận, không nói nhiều?”, chị Hằng cho hay.
Tìm đâu nét hồn nhiên, ngây thơ của nàng khi xưa?
Áp lực cuộc sống gia đình, cơm áo gạo tiền lo cho hai con nhỏ tuổi ăn tuổi học khiến chị Hằng tự nhận mình đã gần như “mất hình ảnh” trong mắt chồng con, vì không ngày nào chị không càm ràm.
Anh Thanh Tùng, chồng chị Hằng, cũng cho biết từ ngày có con, vợ mình bỗng nhiên nói quá nhiều, khác hẳn thời còn yêu nhau.
“Tôi xác định cứ nhịn, không khí gia đình bớt căng thẳng. Để cho cô ấy nói chán thì cô ấy sẽ không nói nữa. Chứ mình chỉ cần nói lại vài lời thì xung đột càng cao hơn. Thật ra việc trong nhà không có gì to tát, nhưng công việc, thời gian chăm con khiến tôi mất đi người yêu nhỏ nhẹ dịu dàng khi xưa cũng là chuyện bình thường”, anh Tùng nói.
Nhận diện được sự thay đổi từ chính mình, chị Thu Hà đã tìm cách cân bằng cuộc sống qua việc đọc thêm sách về nuôi dạy con, nhìn thấy niềm vui trong mọi việc khi chơi và chăm sóc con.
Chị cũng dành mỗi ngày khoảng nửa tiếng cho việc tập thể dục để cơ thể khỏe hơn. Những việc không như ý chị học cách buông bỏ. Thay vì càm ràm khi chồng cắm mặt vào điện thoại, chị nhờ ông xã chơi với con và phân công thêm việc nhà để anh giúp, chị lo bếp núc, dọn dẹp nhà cửa…
Trong bài báo, Colin Tidwell, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học Arizona và là đồng tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Có một định kiến mạnh mẽ xuyên văn hóa cho rằng phụ nữ nói nhiều hơn nam giới. Chúng tôi muốn kiểm chứng giả định này bằng phương pháp thực nghiệm”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 nói nhiều hơn nam giới trung bình 3.000 từ mỗi ngày. Sự khác biệt này không xuất hiện ở các nhóm tuổi khác như thanh thiếu niên (10-17 tuổi), người trưởng thành mới (18-24 tuổi) và người cao tuổi (trên 65 tuổi).
Nghiên cứu mới này phân tích 630.000 bản ghi âm từ 22 nghiên cứu riêng biệt được thực hiện tại bốn quốc gia, với 2.197 người tham gia từ 10 đến 94 tuổi – gấp bốn lần số lượng nghiên cứu ban đầu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự khác biệt này có thể liên quan đến việc nuôi dạy con cái, khi phụ nữ thường đảm nhận vai trò chăm sóc chính và có nhiều tương tác bằng lời nói với con cái hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-yeu-tho-the-sao-lam-vo-lam-me-bong-nhien-nhieu-loi-20250205101637793.htm