Là việc làm thêm phổ biến của sinh viên nhằm có thêm thu nhập và trau dồi kỹ năng, tuy nhiên đằng sau công việc gia sư tưởng chừng nhẹ nhàng là vô số khó khăn.
Hơn nữa, trước lựa chọn làm thêm đa dạng hiện nay, nhiều bạn chọn những công việc nhẹ đầu hơn.
Đang thuê gia sư toán, hóa và tiếng Anh cho cháu gái lớp 12, chị Cao Huyền (48 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết chị nhờ trung tâm gia sư giới thiệu một số giáo viên.
Khó thuê được người ưng ý
Trước đây chị Huyền từng lên mạng thuê sinh viên kèm tiếng Anh cho cháu. Sau vài buổi cháu than “dạy khó hiểu, con không hiểu bài”, chị bèn nhờ đến trung tâm dịch vụ giới thiệu sinh viên nhưng chỉ được hai tháng cũng với lý do trên.
Cuối cùng, chị chọn giáo viên do trung tâm giới thiệu. “Chi phí cao hơn nhưng tính ra hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Như toán, hóa mỗi tuần hai buổi, tháng 2,4 triệu đồng/môn, Anh văn 10 buổi là 3,5 triệu đồng”, chị nói.
Người quen nhờ tìm gia sư kèm tiếng Anh cho con gái lớp 1 nên chị Phạm Hương (46 tuổi, ngụ quận 7) sốt sắng dò hỏi. “Bé học chương trình tích hợp, trước đó chưa học Anh văn nên cha mẹ lo lắng thời gian đầu không theo kịp bạn bè. Họ muốn tìm sinh viên dạy kèm cơ bản, chơi với bé để bé hứng thú tiếng Anh chứ không yêu cầu trình độ cao gì cả”, chị nói.
Lòng vòng qua người khác giới thiệu, chị hẹn giùm một số sinh viên năm nhất từ một số trường không quá xa nơi sẽ dạy kèm. Gặp gỡ chủ nhà thảo luận về công việc, các bạn tỏ ra ngại ngần và không phù hợp. Người quen chị vẫn đang tìm kiếm gia sư cho con.
Chuẩn bị nhiều thứ, khó hài lòng phụ huynh
Thực tế có những sinh viên yêu thích việc dạy kèm và có quan hệ tốt đẹp với phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên lý giải cái sự “ngán”, nhiều sinh viên cho biết một trong những khó khăn khi dạy kèm là áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh. Họ mong muốn con nhanh chóng cải thiện điểm số, thậm chí đòi hỏi biến học sinh yếu thành xuất sắc chỉ trong thời gian ngắn.
Trần Mỹ Ý (22 tuổi, sinh viên ngành văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) từng nhận dạy một em lớp 9 mất căn bản văn và chuẩn bị ôn tuyển sinh lên lớp 10.
“Ba mẹ yêu cầu sau 3 tháng điểm số phải tăng từ 4 lên 9. Nhưng em ấy không chịu học, tôi vừa phải giảng bài vừa làm bài tập cùng em mà kết quả vẫn không như ý. Cuối cùng, phụ huynh trách mình thiếu trách nhiệm”.
Ngoài ra, một số học sinh không tập trung, vừa học vừa chơi điện thoại, hoặc không chuẩn bị bài trước. Điều này khiến quá trình dạy của Ý khó khăn hơn.
Những tình huống dở khóc dở cười Ý gặp phải là một số cha mẹ thường xuyên giám sát buổi học, gây áp lực tâm lý. “Và dù trung tâm đưa ra thông tin một buổi dạy hai tiếng, sẽ có những phụ huynh nói là hai tiếng rưỡi để câu giờ thêm. Những trường hợp như vậy, mình phải chủ động liên hệ phía trung tâm để đòi quyền lợi”, cô mách nhỏ.
Dạy hai buổi, phụ huynh “hủy kèo”, mất luôn tiền cọc
Trái với hình dung nghề gia sư từ tốn xách cặp đến nhà học trò, được trọng vọng, người dạy kèm hiện nay đối mặt nhiều áp lực hơn so với cách đây vài thập niên.
Có kinh nghiệm, Mỹ Ý cho rằng khi làm việc với trung tâm gia sư cần tìm hiểu kỹ độ uy tín, nhất là với các bạn lần đầu đi dạy. Có những trang dịch vụ nhái tên trung tâm. Tâm lý muốn tìm lớp gần chỗ trọ, một số bạn nhanh chóng đặt cọc. Và tiền mất, việc thì không thấy đâu.
Ý thở dài: “Có lần tôi nhận lớp qua một trung tâm với mức phí đặt cọc gần 500.000 đồng. Sau hai buổi, phụ huynh bảo không cần gia sư nữa nhưng trung tâm lại không hoàn tiền. Rốt cuộc, tôi vừa mất công vừa mất tiền”.
Dạy kèm đòi hỏi nhiều công sức, mức thù lao khoảng 130.000 – 170.000 đồng/buổi hai tiếng, trong khi vật giá leo thang. Qua trung gian, các bạn phải trả phí môi giới trong tháng đầu có thể tới 30% thù lao. Nếu lớp không như ý, học sinh không hợp tác, các bạn dạy một tháng hoặc ít hơn rồi nghỉ ngang thì trớt quớt.
Tương tự, Đặng Thị Kim Chi (năm cuối chuyên ngành biên kịch) gặp không ít khó khăn khi làm gia sư. Chân ướt chân ráo, cô lên mạng tìm hiểu, nhanh chóng chốt cọc 50.000 đồng vì nơi dạy khá gần. “Đợi mấy ngày vẫn không có tin tức gì về lớp học, tôi vô Zalo kiểm tra thấy tài khoản đó đã vô hiệu hóa. Lúc này mới biết mình bị lừa, may mà chỉ có 50.000 đồng”, cô kể.
Đợt khác, đi dạy cách phòng trọ hơn 10km, Chi mất thêm tiền xăng xe và thời gian di chuyển. Chiều rời giảng đường, cô chạy xe thật nhanh tới lớp dạy kèm lúc 17h. Buổi tối trước hôm dạy, cô ngồi soạn giáo án, nhiều hôm 2 – 3h sáng mới ngủ. Thu nhập sau khi trừ các khoản lặt vặt còn lại không bao nhiêu.
Với Mỹ Ý, việc cân bằng thời gian học và làm đòi hỏi phải sắp xếp lịch học, dạy kèm và các sinh hoạt khác. “Mỗi ngày tôi phải chạy từ trường đến nhà học sinh, rồi về lại ký túc xá làm bài tập. Có hôm dạy xong muộn, tôi không kịp ôn thi, kết quả học kỳ giảm sút”, cô kể.
Giờ đây Ý chuyển qua làm tiếp thị. Cô nói định hướng tương lai không phải là sư phạm và công việc gia sư không có tính ổn định.
“Làm nghề này phải nắm và hiểu tâm lý học sinh, làm sao tạo tinh thần buổi học thoải mái nhất có thể để các bạn ấy vui vẻ và có động lực học. Nếu không, chỉ cần bạn nhỏ nói với phụ huynh là không thích cô này dạy, ngay lập tức mình mất việc như chơi”, cô chia sẻ.
Còn Kim Chi đang làm sáng tạo nội dung cho một công ty ở TP Thủ Đức, không làm gia sư nữa vì nhận thấy công sức nhiều nhưng thù lao chưa xứng đáng.
May mắn hơn, Trần Thị Bích Vân (19 tuổi, quê Bình Phước) đang dạy kèm môn toán cho một em lớp 9 ở TP Thủ Đức hơn 4 tháng nay. Cô bén duyên làm gia sư vì từng dạy con của người quen dưới quê, nhưng cảm thấy công việc này gò bó.
“Hè này tôi dạy 2 chỗ nhưng giờ lịch học nhiều nên nghỉ bớt. Tiền công 175.000 đồng/buổi. Phụ huynh cũng không đòi hỏi nhiều và bé chịu khó học”, cô kể.
Vân chia sẻ bí quyết: “Tôi thường giảng lý thuyết trước, không khuyến khích học thuộc công thức mà sẽ vận dụng làm bài tập cho nhớ. Học hết một chương, tôi dành một buổi cho bé nói lại những gì đã học. Tôi cũng tìm thêm bài tập cho bé”. Khi bé mệt, cô không ép học ngay mà nói chuyện ngoài lề, chia sẻ việc học trên trường.
Trong vai sinh viên liên hệ trang Facebook Q. nhờ giới thiệu lớp dạy kèm, sau khi lựa mã lớp phù hợp, nhân viên nói với chúng tôi phí là 336.000 đồng (tương đương 30% lương tháng đầu) và phải đóng trước khi nhận lớp.
E ngại những thông tin chung chung
Liên hệ trung tâm T. tại quận 7 và Bình Dương, nhân viên cho biết tùy yêu cầu phụ huynh mà sẽ giới thiệu giáo viên hoặc sinh viên dạy kèm.
“Thuê sinh viên 170.000 đồng/2 giờ. Giáo viên tự do 300.000 đồng/buổi 1,5 tiếng. Còn nếu giáo viên chuyên toán hoặc các môn khoa học tự nhiên của các trường thì 350.000 đồng/buổi. Giá nào thì chất lượng đó”.
Người này khuyên nhà có điều kiện nên thuê giáo viên, còn không cứ học với sinh viên.
Trung tâm này khẳng định sinh viên họ giới thiệu thuộc top 6 trường lớn nhất TP.HCM, có kinh nghiệm.
Nhưng khi hỏi trình độ cụ thể (như điểm học tập) của sinh viên, nhân viên này không trả lời.
Thắc mắc phương pháp dạy, làm sao ước lượng sự tiến bộ của học sinh, nhân viên trả lời sinh viên dạy kiểu tự phát và đa số hướng dẫn giải bài tập, nên không thể trao đổi cụ thể vì “sợ không khớp”.
“Điểm số phụ thuộc học sinh. Mất gốc nhiều thì sau này đạt trung bình được rồi. Đang trung bình sẽ lên điểm 7,5…”, nhân viên này nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-sinh-vien-ngan-lam-gia-su-20241228083920902.htm