Từng chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh, Quảng Trị chính là vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
Theo Hiệp định Paris năm 1954, nước ta tạm thời bị chia làm hai miền Bắc -Nam tại Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị), chờ đến ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra chỉ 2 năm sau đó.
Tuy nhiên, lời hẹn ước 2 năm đã phải kéo dài tới hơn 20 năm, đất nước mới đi đến được ngày thống nhất.
Trong suốt hơn 20 năm đó, dằng dặc nỗi nhớ thương hai bên bờ Vĩ tuyến. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hương năm nay 81 tuổi, đang sống tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cầu Hiền Lương (cũ) có 7 nhịp, địch đã cho sơn nửa phía nam thành màu khác. Để khẳng định quyết tâm thống nhất đất nước, chúng ta tiến hành sơn lại nửa phía bắc để cầu Hiền Lương chung một màu.
“Thấy ta làm vậy, ít lâu sau chúng lại sơn, đổi 3,5 nhịp cầu Hiền Lương nửa phía nam sang màu khác. Nhưng, họ cứ sơn nửa kia màu gì ta cũng sơn nửa ở mình màu đó. “Cuộc chiến” sơn màu cầu Hiền Lương diễn ra cam go, kéo dài trong nhiều năm trời”, bà Hương kể lại.
Ông Nguyễn Văn Trợ (88 tuổi, ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh) cho biết, sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng một hệ thống loa có công suất lớn ở bờ nam sông Bến Hải để phát thông tin xuyên tạc, nói xấu chế độ ở miền Bắc.
Đáp lại, ở phía bờ bắc sông Bến Hải, chúng ta cho xây dựng một hệ thống loa cỡ lớn kéo dài hơn 10 km. Hệ thống của ta có đến hàng chục cột loa phóng thanh cỡ lớn (mỗi cột có 40 cái loa công suất lớn) đã kịp thời cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, ca ngợi công cuộc lao động sản xuất, xây dựng quê hương Vĩnh Linh giàu mạnh và ca ngợi công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Đặc biệt, thể theo nguyện vọng của đồng bào, đồng chí ở bờ nam và của nhân dân Vĩnh Linh, một cột cờ được dựng ở phía bắc cầu Hiền Lương với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mảnh đất thanh bình.
Đến năm 1962, cột cờ này của ta đã được xây dựng cao 38,6 m, treo một lá cờ rộng 108 m2 bay lồng lộng trên bầu trời phía bắc Vĩ tuyến 17, là biểu tượng cho ý chí quyết chiến quyết thắng, cho độc lập và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông, vẫy gọi đồng bào miền Nam hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ, ra sức đấu tranh cho ngày Bắc – Nam sum họp.
Bảo tàng cách mạng sống động
Là địa bàn chiến lược quan trọng, ngoài những cuộc chiến “không tiếng súng” nói trên, Quảng Trị từng là chiến trường khốc liệt, là nơi diễn ra những cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Đến nay, tại Quảng Trị vẫn còn khoảng 500 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Trong đó, có nhiều địa danh nổi tiếng cả trong và ngoài nước, như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Hải Lăng, Đường 9, Khe Sanh, Tà Cơn, Thạch Hãn…
GS.TS Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông nhận định, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là kết quả của cuộc chiến đấu thần thánh của quân dân ta ở chiến trường, chiến thắng của sự phối hợp tuyệt vời giữa quân sự và ngoại giao. Đó chính là công cuộc giành lấy hòa bình bằng xương, bằng máu.
“Có thể nói, Quảng Trị là bảo tàng cách mạng sống động nhất, hoàn thiện nhất về di tích chiến tranh cách mạng”, GS.TS Trình Quang Phú nhìn nhận và bày tỏ sự tin tưởng, quá khứ hào hùng, vẻ vang này là tài sản vô giá và sẽ là nền tảng để quân dân Quảng Trị xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh và trở thành “địa chỉ đỏ” như một biểu tượng của khát vọng hòa bình.
Theo TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, với 72 Nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, có 2 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia: Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn, vào dịp tháng 7 hằng năm, Quảng Trị là nơi hàng vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước đến để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì khát vọng độc lập, thống nhất của đất nước, dân tộc.
“Đến Quảng Trị để cảm nhận đầy đủ khát vọng sống, khát vọng độc lập, tự do, khát vọng thống nhất của một dân tộc luôn sống trong thử thách và có lịch sử hàng nghìn năm phải đương đầu với chiến tranh với những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất. Đến Quảng Trị để hiểu hết giá trị của hòa bình”, TS Phan Thanh Hải nhìn nhận và hy vọng, tỉnh Quảng Trị sớm được công nhận là vùng đất Vì hòa bình tiêu biểu của Việt Nam và thế giới.
Vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt
Ông Hà Sỹ Đồng – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, là vùng đất từng chịu nhiều đau thương, mất mát, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, hơn ai hết, quân và dân Quảng Trị rất thấu hiểu giá trị của hòa bình. Và, Quảng Trị chính là vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Năm 2024, lần đầu tiên Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị đã tạo thêm điểm nhấn, giúp người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế biết đến những dấu mốc lịch sử, ký ức và sự tàn khốc của chiến tranh, qua đó, giúp nhân loại và lương tri thức tỉnh, lan tỏa giá trị của hòa bình.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, hiện nay, tỉnh Quảng Trị xác định 3 khâu đột phá về kinh tế, trong đó, công nghiệp năng lượng là khâu đột phá, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, thương mại – dịch vụ – du lịch là ngành quan trọng của địa phương.
“Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng, giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, hình thành các vùng quê đáng sống, nâng cao giá trị gia tăng nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem đến sự ấm no, hạnh phúc cho người dân cũng như thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn”, ông Hà Sỹ Đồng cho hay.
Nguồn: https://daidoanket.vn/khat-vong-hoa-binh-tu-vung-dat-lua-quang-tri-10299217.html