Nhiều khu vực thiếu nước nghiêm trọng
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, tài nguyên nước mặt của tỉnh chủ yếu từ nguồn nước mưa tích trữ vào 2 hệ thống sông Đà, sông Mã. Nguồn nước dưới đất tồn tại dưới 2 dạng chủ yếu là tầng chứa nước khe nứt – khe nứt Karst phân bố trên diện tích khoảng 140.000km2 và tầng chứa nước lỗ hổng trên diện tích khoảng 172km2.
Do địa hình núi cao hiểm trở, phức tạp, chia cắt mạnh đã gây ra tình trạng lúc thừa nước gây lũ lụt, lúc thiếu nước gây hạn hán, nơi thiếu nước nghiêm trọng gây không ít khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tình trạng thiếu nước vào mùa khô xảy ra ngày càng trầm trọng hơn, nhiều sông, suối cạn trơ đáy.
Những năm qua, Chương trình nước sạch nông thôn đã xây dựng nhiều công trình cấp nước tự chảy cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, nhiều công trình đã hư hỏng nghiêm trọng, không còn khả năng cấp nước, không có kinh phí để sửa chữa hoặc dừng hoạt động do nguồn nước cạn kiệt. Tại Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 20/6/2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 118 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư, trong đó, 20 xã đặc biệt thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn 9 huyện.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Quốc gia, tại xã Mường Lựm (Yên Châu), Nậm Ty (Sông Mã), Tô Múa (Vân Hồ) chưa có công trình cấp nước tập trung, người dân đang khai thác nguồn nước chủ yếu từ các nguồn nước mặt chủ yếu dẫn từ suối trong xã, các ao hồ, giếng đào và nước mưa. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên hết nước, số dân thiếu nước trong vùng chiếm khoảng 65%.
Tìm giải pháp cấp nước ổn định, bền vững cho người dân, từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2022, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện Nghiên cứu xác định nguồn nước và giải pháp cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp cho khu vực thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ này do Viện Thủy văn, Môi trường và Biến đổi khí hậu (Đại học Thủy lợi) là cơ quan thực hiện. Phạm vi nghiên cứu đề tài tập trung vào 20 xã vùng khan hiếm nước thuộc 9 huyện.
Giải pháp theo từng khu vực
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra cơ sở khoa học đánh giá sự phân bố, tiềm năng các nguồn nước, ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế – xã hội, môi trường đến tài nguyên nước mặt, nước dưới đất.
Đồng thời, đánh giá được dự báo dòng chảy đến bằng mô hình mưa dòng chảy SWAT tại các tiểu vùng có xem xét đến ảnh hưởng của BĐKH. Từ đó, xác định trữ lượng, chất lượng, lượng nước dưới đất có thể khai thác cho khu vực khan hiếm nước… Phương pháp tính toán khoa học, đủ độ tin cậy, dựa trên số liệu điều tra, số liệu Khí tượng thủy văn để tính toán, kết quả tính toán dựa trên số liệu thực đo để hiệu chỉnh, kiểm định mô hình.
Theo kết quả nghiên cứu, tài nguyên nước các xã vùng khó khăn trung bình là 0,075 tỷ m3. Co Tòng (Thuận Châu) là xã có nguồn tài nguyên nước nhỏ nhất, Nậm Giôn (Mường La) là xã có nguồn tài nguyên nước nhiều nhất trong 20 xã đặc biệt khó khăn. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí về nguồn nước, về quản lý, khai thác đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho sinh hoạt, nông nghiệp tại các khu vực thiếu nước. Từ đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để quản lý, khai thác nguồn nước hiệu quả.
Trên cơ sở xem xét các tiêu chí đảm bảo về nguồn nước, kinh tế, xã hội, môi trường các xã đặc biệt khó khăn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật quản lý, khai thác nguồn nước gồm: Mô hình thu gom, khai thác nguồn nước mạch lộ dạng tự chảy qua các bể (giếng) thu nước; Mô hình thu gom, khai thác nguồn nước từ hang động, khe suối; xây dựng các hồ treo thu nước mạch lộ, sườn dốc…
Thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình đảm bảo tính bền vững của các xã như sau: Hồng Ngài, Chiềng Lao, Pi Toong, Huy Tân, Mường Sại, Lóng Luông, Chim Vàn, Làng Chếu, Chiềng Muôn, Hua Trai, Nậm Giôn, Sam Kha, Tạ Bú, Đứa Mòn, Chiềng Tương, Hua Nhàn, Nậm Ty, Bó Mười, Co Tòng, Chiềng Đông.
Theo đó, với những nơi không có nguồn mạch ngầm và không được cấp nước tự chảy thì sẽ áp dụng giải pháp công trình thu trữ nước mưa quy mô tập trung. Khu vực có nguồn nước mặt từ các hang động, khe suối, tùy vào chênh lệch mực nước trong hang và địa hình bề mặt mà sử dụng bơm hút hoặc bơm đẩy, hoặc có thể xây đập chặn dòng hang động. Với vùng có nguồn nước mưa lớn, độ dốc cao có thể xây dựng công trình trữ nước bằng hồ chứa.
Trên cơ sở kết quả nhiệm vụ, Sở TN&MT đã đề nghị UBND 9 huyện vùng Dự án nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai; đề xuất các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật quản lý và khai thác nước đã được nghiệm thu trong kết quả nhiệm vụ khoa học trên địa bàn các xã nằm trong phạm vi nghiên cứu. Tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết, nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên địa bàn các xã thuộc danh mục; đề xuất đầu tư, giải pháp triển khai trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả dự án.