Giám đốc IEA đánh giá châu Âu đã giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga và ngăn khủng hoảng năng lượng, nhưng chưa hoàn toàn thoát khó khăn.
“Châu Âu đã cải tổ được thị trường năng lượng, giảm tỷ lệ khí đốt Nga trong nền kinh tế về dưới 4% mà vẫn chưa suy thoái. Dự trữ khí đốt cũng ở mức phù hợp”, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol đánh giá trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Nga đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng thế giới. Tuy nhiên, từ sau xung đột tại Ukraine, các nước phương Tây đã giảm dần phụ thuộc vào dầu khí nước này.
“Châu Âu đã làm rất tốt trong mùa đông trước”, lãnh đạo IEA nhận định. Khủng hoảng năng lượng đã không xảy ra, một phần nhờ khí hậu ấm hơn dự kiến.
Dù vậy, Birol cho rằng thị trường năng lượng châu Âu vẫn còn 3 rào cản lớn cần phải vượt qua năm nay.
Nhu cầu từ Trung Quốc tăng
Năm ngoái, nguồn cung năng lượng toàn cầu dồi dào, do Trung Quốc vẫn phong tỏa chống dịch và mua ít dầu khí. Nhưng năm nay, tình hình đã thay đổi. Châu Âu có thể đối mặt với mùa đông khắc nghiệt hơn.
Nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc được dự báo tăng tốc nửa cuối năm. Birol cho rằng nhập khẩu khí đốt của nước này “là yếu tố quyết định” với nhu cầu trên thị trường khí tự nhiên.
Trung Quốc đã chấm dứt chính sách Zero Covid từ tháng 12/2022, khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt. Trong báo cáo mới nhất, IEA cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng hơn 2 triệu thùng một ngày trong năm nay. Birol cho biết ông không ngạc nhiên nếu Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ – đóng góp gần 60% mức tăng này.
Mỹ vỡ nợ
Các thị trường toàn cầu đang theo dõi sát sao diễn biến đàm phán nâng trần nợ công Mỹ. Nếu Quốc hội Mỹ không đạt thỏa thuận, Mỹ có thể vỡ nợ ngay đầu tháng 6.
Việc đàm phán tuần trước phải dừng lại, do Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7. Tuy nhiên, ông đã trở về Mỹ ngày 21/5. Trong một cuộc họp báo tuần trước, ông khẳng định “không lo lắng về việc đàm phán” và “Mỹ sẽ tránh được vỡ nợ”.
Birol cảnh báo việc nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ có thể khiến nhu cầu và giá dầu tăng vọt. Dù vậy, ông thừa nhận kịch bản này khó xảy ra. “Tôi không thể đưa ra con số chính xác được. Nhưng mức giảm giá sẽ là rất lớn nếu Mỹ thực sự vỡ nợ. Tôi cho rằng Mỹ sẽ giải quyết được việc này. Nhưng dĩ nhiên, thị trường lúc nào cũng phải chuẩn bị cho các rủi ro”, ông nói.
Giá dầu thô WTI và Brent hiện giảm lần lượt 0,6% và 0,2%. Mỗi thùng Brent có giá 75 USD, còn WTI được bán với 71 USD.
Phụ thuộc vào năng lượng Nga
Một thách thức lớn khác với châu Âu là họ chưa toàn toàn chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Triển vọng nguồn cung vẫn còn thiếu chắc chắn. Nhiều nước trong khu vực này từng bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng năng lượng năm ngoái, khi nguồn cung khí đốt Nga giảm mạnh.
Xuất khẩu khí đốt từ Gazprom (Nga) sang Thụy Sĩ và EU giảm 55% trong năm ngoái, công ty này cho biết hồi tháng 1. Birol nhấn mạnh nếu nhập khẩu khí đốt tiếp tục giảm, châu Âu có thể đối mặt với thách thức một lần nữa trong mùa đông tới.
Dù vậy, ông cũng cho rằng G7 và các nước châu Âu sẽ không quay lại đàm phán với Nga. Và hoạt động mua khí đốt Nga “sẽ chấm dứt”.
Hà Thu (theo CNBC)