Indonesia vừa triển khai chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí” cho 82,9 triệu học sinh. Kéo dài trong 5 năm (2025-2029), Chương trình trị giá 28 tỷ USD này nhằm giải quyết tình trạng thấp còi ở trẻ và tăng thu nhập cho nông dân.
Cải thiện dinh dưỡng
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, cứ 12 trẻ Indonesia dưới 5 tuổi thì có 1 em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Cứ 5 trẻ thì có 1 em bị thấp còi. Chính phủ Indonesia nhận thấy tầm quan trọng của việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, vì tình trạng thiếu ăn và suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, từ đó tác động đến tương lai của quốc gia.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, trong chiến dịch tranh cử năm 2024, cam kết sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề thấp còi đang ảnh hưởng đến 21,5% trẻ dưới 5 tuổi tại nước này.
Từ ngày 6/1/2025, Indonesia đã triển khai các chương trình cung cấp bữa ăn miễn phí cho trẻ em, nhằm hỗ trợ những gia đình có thu nhập thấp và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình Cung cấp Bữa ăn Học đường, được thực hiện ở nhiều khu vực của Indonesia.
Có ít nhất 5.000 nhà bếp được xây dựng trên toàn quốc, giúp cải thiện sức khỏe trẻ nhỏ và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Chương trình này tập trung vào việc cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường học cho trẻ em, đặc biệt là những em học sinh ở các vùng nông thôn và khu vực nghèo.
Mục tiêu của chương trình là giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe cho học sinh, đồng thời tạo động lực để trẻ em tiếp tục học hành. Ngoài ra, Indonesia cũng thực hiện các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em ở các khu vực khó khăn, bao gồm việc cung cấp thực phẩm bổ sung và các bữa ăn dinh dưỡng trong trường học hoặc tại cộng đồng.
Chương trình còn khuyến khích trẻ em đi học và cải thiện thành tích học tập. Chương trình này là một phần của chiến lược phát triển thế hệ thanh niên quốc gia để đạt được thế hệ “Indonesia vàng”, biến Indonesia thành một quốc gia tiên tiến và thịnh vượng vào năm 2045.
Ngày 30/1/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này là Sri Mulyani Indrawati đã ký khoản ngân sách bổ sung cho Chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí (MBG) từ năm đầu tiên 2025. Ước tính, số tiền này sẽ được dùng để mua 6,7 triệu tấn gạo; 1,2 triệu tấn thịt gà; 500.000 tấn thịt bò; 1 triệu tấn cá, rau và trái cây; 4 tỷ lít sữa. Ít nhất 5.000 nhà bếp sẽ được xây dựng trên cả nước.
Theo ông Dadan Hindayana, lãnh đạo Cơ quan Dinh dưỡng quốc gia (BGN), mục tiêu của Chính phủ Indonesia là có 17 triệu người được thụ hưởng từ chương trình vào cuối năm 2025 và nâng con số này lên gần 83 triệu người vào năm 2029. Tổng dân số Indonesia vào khoảng 282 triệu người.


Học sinh Indonesia dùng bữa ăn miễn phí
Chương trình ban đầu chỉ dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh, sau đó đã được mở rộng đến phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú và trẻ mới biết đi. Việc này khiến chi phí tăng lên đến 30 tỷ USD/năm và đặt nhiều áp lực lên ngân sách của Indonesia.
Tối ưu hóa ngân sách
Chính phủ Indonesia đã quyết định thực hiện hiệu quả ngân sách để tối ưu hóa việc phân bổ chi tiêu của nhà nước, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước vì lợi ích công cộng.
Ủy ban ổn định hệ thống tài chính, bao gồm Cơ quan dịch vụ tài chính và Ngân hàng Indonesia, đã được giao nhiệm vụ khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ chương trình này. Các tổ chức tài chính dự kiến sẽ tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho các công ty tham gia chương trình để hỗ trợ hoạt động của MBG.
Cơ quan dinh dưỡng quốc gia (BGN) và các bộ, tổ chức liên quan sẽ phối hợp để tiếp tục điều chỉnh các chương trình nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu của MBG.

Indonesia vừa triển khai chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho 82,9 triệu học sinh.
Ngoài các sáng kiến từ chính phủ còn có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế, như UNICEF và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), để hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình dinh dưỡng tại Indonesia.
Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ các bữa ăn dinh dưỡng miễn phí nhưng không cam kết số tiền cụ thể. Còn Mỹ đang cung cấp đào tạo cho những người nông dân Indonesia chăn nuôi bò sữa để hỗ trợ chương trình này.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bày tỏ mong muốn hỗ trợ chương trình bữa ăn dinh dưỡng miễn phí – một trong những dự án ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto.
Theo đó, Nhật Bản sẽ tổ chức đào tạo về hoạt động cung cấp bữa trưa cho trẻ em, cử chuyên gia và hỗ trợ cải thiện ngành thủy sản và nông nghiệp của Indonesia bằng cách áp dụng các kinh nghiệm của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hy vọng biện pháp hỗ trợ này sẽ giúp Tổng thống Prabowo Subianto thực hiện thành công chương trình này, góp phần khắc phục vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em Indonesia.
Ấn Độ đã tái khẳng định sự hỗ trợ cho chương trình thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của Tổng công ty Thực phẩm Ấn Độ và các tổ chức khác của nước này với các quan chức Indonesia.
“Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực y tế và an ninh lương thực, bao gồm chương trình bữa trưa miễn phí và hệ thống phân phối dịch vụ công cho Chính phủ Indonesia”, Thủ tướng Narendra Modi cho biết.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 gần đây, Pháp và Brazil cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của họ cho chương trình này của Indonesia.
Tổng thống Prabowo Subianto đã chỉ thị sắp xếp một chuyến thăm của phái đoàn Indonesia đến Brazil để tham khảo kinh nghiệm từ chương trình tương tự của quốc gia Nam Mỹ này. Pháp, quốc gia có chương trình cung cấp thực phẩm cho trường học, có ý định chia sẻ kinh nghiệm của mình và giúp Indonesia hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/hon-80-trieu-hoc-sinh-indonesia-duoc-dung-bua-an-mien-phi-20250221160238184.htm