(Dân trí) – Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cả nước đã trao tặng quà và hỗ trợ hơn 13,5 triệu lượt người với tổng kinh phí hơn 7.800 tỷ đồng.
Dành nguồn kinh phí lớn chăm lo người có công, người nghèo
Báo cáo về công tác bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc hỗ trợ người có công với cách mạng, người cao tuổi, người hưởng bảo trợ xã hội và các hoàn cảnh khó khăn đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo không khí vui tươi, ấm áp và thiết thực.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH các địa phương, cả nước đã hỗ trợ và tặng quà Tết cho hơn 13,5 triệu lượt đối tượng, với tổng kinh phí trên 7.800 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương chiếm gần 711 tỷ đồng, ngân sách địa phương là gần 4.425 tỷ đồng, và kinh phí vận động xã hội hóa hơn 2.695 tỷ đồng.
Một số địa phương đã dành mức kinh phí cao để tặng quà Tết như: Hà Nội hỗ trợ 2,27 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 1.067 tỷ đồng; TPHCM tặng quà cho hơn 1,33 triệu lượt đối tượng, tổng kinh phí 1.295 tỷ đồng; Thanh Hóa hỗ trợ trên 1,23 triệu lượt đối tượng, tổng kinh phí trên 386 tỷ đồng…
Về công tác chăm lo Tết cho người có công với cách mạng, ngày 27/11/2024, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1301/QĐ-CTN về việc tặng quà cho một số đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Theo Quyết định, Chủ tịch nước sẽ tặng quà cho hơn 1,6 triệu đối tượng, với tổng kinh phí trên 506,75 tỷ đồng. Mức quà tặng được chia thành hai mức, 600.000 đồng và 300.000 đồng, tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể.
Chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội để tặng quà Tết cho người có công với cách mạng.
Cụ thể, TPHCM đã tặng quà cho 398.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí trên 453 tỷ đồng; Hà Nội đã tặng quà cho 297.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí trên 244 tỷ đồng; Hải Phòng đã tặng quà cho 157.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí 289 tỷ đồng…
Tổng kinh phí hỗ trợ và tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 khoảng 2.804 tỷ đồng, tăng 59 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Liên quan đến công tác hỗ trợ Tết cho những người hưởng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.
Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến trong khoảng 300.000-500.000 đồng/người. Đặc biệt, một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Bình Thuận, Bình Dương… có mức hỗ trợ cao hơn, dao động từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người.
So với năm 2024, mức hỗ trợ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tăng bình quân 10-15%. Một số địa phương đã chủ động bố trí ngân sách để nâng mức hỗ trợ cao hơn, giúp người dân đón Tết đầy đủ và ấm áp hơn.
Chi trả kịp thời các chế độ hỗ trợ, trợ cấp
Về công tác hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết và giáp hạt năm 2025, tính đến ngày 31/1, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định hỗ trợ trên 6.876 tấn gạo cứu đói.
Số gạo này được phân bổ cho 104.315 hộ với tổng cộng 458.401 nhân khẩu đang gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và thời gian giáp hạt đầu năm 2025.
Các địa phương được hỗ trợ gồm: Gia Lai, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum, Hà Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Tuyên Quang và Sóc Trăng.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, việc cấp phát gạo đã hoàn tất, bảo đảm mọi người dân đều nhận được gạo kịp thời để đón Xuân mới, không ai bị thiếu đói trong dịp Tết.
Cùng với đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, trong chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đã có 6.962 căn nhà được triển khai, trong đó 3.166 căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 3.796 căn đang trong giai đoạn khởi công.
Bên cạnh đó, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã hỗ trợ xây dựng 35.466 căn nhà, với 18.841 căn đã khánh thành và 16.625 căn đang thi công.
Các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ và chăm lo Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, 3,8 triệu người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đã được nhận quà Tết, đồng thời hơn 1 triệu người cao tuổi được tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, thành phố, có trên 1 triệu lượt người cao tuổi đã được chúc thọ và nhận quà Tết với tổng kinh phí hơn 676 tỷ đồng.
Khoảng 315.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo được thăm hỏi, tặng quà với tổng kinh phí hơn 145 tỷ đồng.
Gần 1,19 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ quà Tết với tổng trị giá hơn 740 tỷ đồng. Gần 1,2 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội nhận quà Tết với tổng kinh phí gần 862 tỷ đồng.
Việc chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đảm bảo không xảy ra sai sót hoặc chậm trễ. Đặc biệt, chế độ trợ cấp cho tháng 1 và tháng 2 đã được thực hiện trong cùng kỳ chi trả tháng 1.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/hon-7800-ty-dong-lo-tet-cho-nguoi-ngheo-gia-dinh-chinh-sach-20250202074941126.htm