Thời gian qua, cùng với việc triển khai thực hiện lồng ghép các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tạo sinh kế bền vững giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Tính đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện (kể cả vốn năm 2022, 2023 kéo dài) là gần 1.502 tỷ đồng.
Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025. Năm 2024, kinh tế – xã hội miền núi tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,1 triệu đồng/năm, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2020.
Nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số nơi biên giới đã được trao “sinh kế” thông qua các mô hình hỗ trợ “Nuôi lợn cỏ địa phương sinh sản” của Hội LHPN huyện Tây Giang, Quảng Nam, từ mô hình này đã giúp chị em từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống – (Ảnh: hoilhpn.quangnam.gov.vn) |
Kết quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện (kể cả vốn năm 2022, 2023 kéo dài) là gần 1.502 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư hơn 584 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 917 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã xây dựng 313 danh mục công trình các loại, chuyển đổi nghề cho 735 lao động; thực hiện hỗ trợ xoá nhà tạm cho 512 hộ, sắp xếp ổn định dân cư cho 576 hộ, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm hơn 3%.
Bản làng của người Cơ Tu ở xã Ch’ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) thay gia đổi thịt nhờ việc triển khai thực hiện lồng ghép các Chương trình MTQG – (Ảnh: Phương Liên/dangcongsan.vn). |
Tính đến nay, có 93 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhận kết nghĩa với 67 xã vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) – miền núi, biên giới, đất liền; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 7 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 21 xã của tỉnh. Năm 2024, tổng giá trị hỗ trợ, đầu tư gần 23,9 tỷ đồng.
Các bên kết nối, phối hợp tham gia kết nghĩa đề xuất nhu cầu, mời gọi, thu hút nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện xây dựng, duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể như hỗ trợ heo, bò giống, trồng rau, trồng rừng lấy gỗ, cây dược liệu… với tổng nguồn kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương kết nghĩa tập trung hỗ trợ riêng cho các hộ dân khó khăn về nhà ở, hỗ trợ thêm cho người dân mua sắm, hoàn thành ngôi nhà với kinh phí hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài ra còn hỗ trợ bằng hình thức tặng quà cho người dân khó khăn, gia đình chính sách, hộ cận nghèo, già làng có uy tín, học sinh và người dân khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, nhân ngày kỷ niệm thành lập ngành, Đảng bộ xã, thôn… với kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng.
Từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS – miền núi, đời sống người dân miền núi Quảng Nam có nhiều khởi sắc rõ nét, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững – (Ảnh: bandantoc.quangnam.gov.vn). |
Các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời chiếu sáng đường quê, xây dựng phòng học, hỗ trợ xe đạp, thiết bị 4G…; hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực với nguồn lực hàng tỷ đồng.
Cũng từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS – miền núi giúp giải quyết các yêu cầu bức thiết trong nhân dân, nhất là về đời sống sản xuất, sắp xếp, ổn định dân cư, chuyển đổi nghề… đời sống người dân miền núi Quảng Nam có nhiều khởi sắc rõ nét, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/hon-1500-ty-dong-danh-cho-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-tai-quang-nam-210104.html