Năm 1993, nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman lần đầu đến Việt Nam và trải nghiệm Tết Nguyên đán. Trong chuyến đi này, ông đã ghé thăm những địa điểm mang dấu ấn văn hóa Việt như: chợ hoa Công viên Thống Nhất, làng pháo Bình Đà và lễ hội pháo hoa Đồng Kỵ.
Tết đầu tiên tại Hà Nội
Chợ hoa Tết tại Công viên Thống Nhất năm 1993 là nơi đầu tiên mà Andy đặt chân đến. Đây là chợ Tết lớn của Hà Nội thời bấy giờ, nơi người dân tấp nập chọn đào, quất và các loại cây cảnh để trang trí cho dịp Tết.
Chợ Tết Hà Nội năm 1993. (Ảnh: Andy Soloman) |
“Không khí chợ hoa khi ấy thật đặc biệt. Người bán hàng chủ yếu là nông dân từ các làng quê lên Hà Nội, mang theo sản vật mình trồng được suốt cả năm. Đó là những gánh cành đào, những chậu quất nhỏ,” Andy nhớ lại.
Qua ống kính của mình, Andy ghi lại nụ cười của người bán và ánh mắt háo hức của người mua. “Dường như ai cũng muốn mang về nhà một phần của mùa xuân,” ông nhận xét.
Andy Soloman được một người bạn Việt Nam gợi ý đến thăm làng Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội), làng nghề làm pháo truyền thống xưa. Với sự tò mò, ông tìm đến ngôi làng nhỏ này.
Chợ pháo Bình Đà năm 1993. (Ảnh: Andy Soloman) |
“Tôi ghé thăm Bình Đà vào ngày 20/1/1993, ngay trước Tết. Khi đó, người dân ở đây vẫn làm pháo. Loại pháo này bị cấm sản xuất từ ngày 1/1/1995. Cảnh tượng tại Bình Đà ngày ấy thật khó tin. Con đường chính trải dài với những quầy hàng chất đầy pháo màu hồng, từ loại nhỏ bằng bút chì đến những ống pháo to bằng cổ tay”, Andy nhớ lại.
Chợ pháo Bình Đà năm 1993. (Ảnh: Andy Soloman) |
Ngoài chợ pháo, Andy còn tham gia lễ hội rước pháo nổi tiếng của làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) vào sáng mùng 4 Tết. Hai quả pháo khổng lồ là biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng, được rước qua các con phố trong tiếng trống giòn giã và sự cổ vũ nhiệt tình của dân làng.
“Quả pháo lớn đến mức tôi phải ngước nhìn mới thấy hết. Nó được trang trí rất đẹp, với những chi tiết tinh xảo,” Andy hồi tưởng.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ năm 1994. (Ảnh: Andy Soloman) |
Điều khiến ông ấn tượng nhất chính là không khí sôi động của lễ rước. Những thanh niên trai tráng trong trang phục truyền thống, vừa khiêng pháo vừa hò reo. Người dân địa phương đứng hai bên đường vẫy tay chào đón đoàn rước pháo.
“Sự gắn kết của cộng đồng trong lễ hội này là điều tôi chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Đó không chỉ là một nghi thức, mà là niềm tự hào của cả làng,” ông nói.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ năm 1994. (Ảnh: Andy Soloman) |
Ký ức không phai
Những trải nghiệm năm 1993-1994 tại Việt Nam vào dịp Tết đã trở thành một phần ký ức trong lòng Andy Soloman. Sau này, ông nhiều lần quay lại làng Bình Đà và Đồng Kỵ để tìm lại những địa điểm và con người trong các bức ảnh cũ.
Nhiếp ảnh gia Andy Soloman gặp và trao lại bức ảnh kỷ niệm cho ông Nguyễn Văn Thanh tại làng Bình Đà vào tháng 12/2024. |
Những năm gần đây, Bình Đà vắng xa tiếng pháo. Đi dọc đường làng bây giờ, Andy cảm nhận được sự bình yên và yên tĩnh, khác hẳn so với khung cảnh ông chứng kiến hơn 30 năm về trước.
“Tôi gặp lại một người bán pháo từng xuất hiện trong bức ảnh của mình. Khi nhìn thấy bức ảnh, ông ấy bật cười và kể tôi nghe những câu chuyện về thời gian đó”, Andy kể lại.
Nhiếp ảnh gia Andy Soloman đang lên kế hoạch tổ chức một triển lãm tại Hà Nội vào năm 2025, nơi ông sẽ giới thiệu những bức ảnh về con người và khoảnh khắc đáng nhớ mà ông đã ghi lại những năm 1990. Trong số đó, có các tác phẩm chụp vào mùa xuân đầu tiên ông đến Việt Nam. Qua triển lãm, ông hy vọng thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về những giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nét đẹp của Tết cổ truyền.
“Với tôi, Tết không chỉ là dịp để chào đón năm mới, mà còn là thời điểm kết nối giữa con người với nhau và với những giá trị truyền thống. Tôi cảm thấy may mắn khi có cơ hội lưu giữ những khoảnh khắc ý nghĩa ấy qua ống kính của mình,” Andy chia sẻ.
Andy Soloman (sinh năm 1962) là nhiếp ảnh gia người Anh. Trong thời gian sống tại Hà Nội, ông làm việc cho nhiều tờ báo, hãng tin trước khi trở thành phóng viên của Reuters vào năm 1997. Những năm tháng làm việc cho hãng Reuters, tuy không sống ở Việt Nam nhưng gia đình ông vẫn thường xuyên về thăm Hà Nội. Cuối năm 2022, Andy cùng vợ bay sang Việt Nam và bắt đầu tìm lại những nhân vật mà ông đã từng chụp. Ông đặt tên cho dự án của mình là Echoes: Vietnam Retraced (Những tiếng vọng: Tìm lại Việt Nam trong hồi tưởng). |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/hoi-uc-tet-xua-qua-ong-kinh-cua-nhiep-anh-gia-anh-209785.html