Các tác giả lập luận rằng, vai trò của hơi thở của con người đối với biến đổi khí hậu đã bị đánh giá thấp và cần được nghiên cứu thêm.
Cụ thể, sau khi đo thành phần khí trong hơi thở của 328 người tham gia nghiên cứu, các nhà nghiên cứu kết luận, hơi thở của con người chiếm 0,05% lượng khí thải metan (CH4) của Vương quốc Anh và 0,1% lượng nitơ ôxit (N2O).
Nghiên cứu lưu ý, cả hai loại khí này “có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với khí carbon (CO2)”.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là nhà vật lý khí quyển Nicholas Cowan tại Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, lưu ý: “Chúng tôi khuyên nên thận trọng khi giả định rằng lượng khí thải từ con người là không đáng kể”.
Ông Cowan giải thích trong khi “sự góp phần của khí CO2 trong hơi thở của con người vào biến đổi khí hậu về cơ bản là bằng 0” vì thực vật hấp thụ gần như toàn bộ lượng khí này, thì 2 loại khí nói trên vẫn còn tồn tại trong khí quyển.
Khí metan giữ lượng nhiệt gấp 80 lần so với CO2 trong 20 năm đầu tiên tồn tại trong khí quyển. Một phân tích chi tiết về chế độ ăn của các đối tượng thử nghiệm không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những người ăn thịt tạo ra nhiều khí hơn. Trong khi tất cả các đối tượng thử nghiệm thở ra nitơ oxit, chỉ có 31% thở ra khí metan.
Những cá nhân này – được gọi là “nhà sản xuất khí metan” trong bài báo – có nhiều khả năng là nữ và trên 30 tuổi, mặc dù các nhà nghiên cứu không thể xác định lý do tại sao lại như vậy.
Các tác giả cảnh báo nghiên cứu của họ chỉ xem xét hơi thở và kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về bức tranh tổng thể liên quan lượng khí thải của con người. Nghiên cứu sâu hơn có thể sẽ tiết lộ nhiều hơn về “tác động của dân số đang gia hóa và chế độ ăn uống thay đổi” trên hành tinh.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, Lao Động)