Tại các hội nghị thượng đỉnh AI trước đó tổ chức tại Vương quốc Anh và Hàn Quốc, nhiều cường quốc thế giới đã tập trung vào những rủi ro của công nghệ này gây ra sau sự xuất hiện của ChatGPT.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump sau khi nhậm chức đã đảo ngược những rào cản về AI do người tiền nhiệm tạo ra, với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sự cạnh tranh của Mỹ.

Điều này cũng tạo ra những áp lực khiến EU phải thay đổi cách tiếp cận nhẹ nhàng với AI, để duy trì sức cạnh tranh doanh nghiệp công nghệ.

Bản dự thảo tuyên bố không ràng buộc về quản lý AI tại Hội nghị năm nay cho thấy, Pháp – nước chủ nhà, đang kêu gọi phương pháp tiếp cận bao trùm, trong đó ưu tiên “tránh tập trung thị trường”, đồng thời phát triển “AI một cách bền vững với hành tinh và con người”.

skynews ai summit paris_6824499.jpg
Sức ép quản lý AI đã hạ nhiệt tại Hội nghị AI Paris 2025. Ảnh: Sky News

“Để có tăng trưởng, việc làm và tiến bộ, những nhà sáng tạo, phát triển cần phải được làm việc của họ”, Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman, nói trong một bài viết trên báo Le Monde.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định “chúng ta không nên sợ đổi mới”.

“Một mặt, việc không có quy tắc là rất nguy hiểm. Mặt khác, khi châu Âu có quá nhiều quy tắc, đó cũng là nguy cơ”, ông cho hay.

Các nhà lập pháp châu Âu đã thông qua Đạo luật AI của EU vào năm ngoái, bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới điều chỉnh công nghệ này.

Tháng trước, DeepSeek bất ngờ xuất hiện, thách thức sự dẫn dắt của Mỹ trong lĩnh vực AI, càng khiến cuộc đua trong ngành công nghiệp trở nên nóng hơn.

Hợp tác AI vì lợi ích cộng đồng

CurrentAI là kết quả của hợp tác giữa quốc gia (Pháp và Đức) cùng các đối tác trong ngành như Google và Salesforce.

Với khoản đầu tư ban đầu 400 triệu USD, thỏa thuận này sẽ dẫn đầu các dự án vì lợi ích cộng đồng, chẳng hạn như cung cấp dữ liệu chất lượng cao cho AI và đầu tư vào các công cụ mã nguồn mở. Mục tiêu là đạt được tới 2,5 tỷ USD vốn trong vòng năm năm.

Martin Tisné, người sáng lập Current AI cho biết, việc tập trung vào lợi ích công cộng là cần thiết để tránh AI có những tác động tiêu cực giống như mạng xã hội. “Chúng ta phải rút ra bài học”, ông nói.

Ngoài ra, Pháp sẽ công bố các khoản đầu tư của khu vực tư nhân tổng cộng khoảng 109 tỷ euro (113 tỷ USD).

“100 tỷ euro là con số làm chúng tôi yên tâm rằng có những dự án đủ tham vọng tại Pháp”, Clem Delangue, Giám đốc điều hành của Hugging Face, một công ty Mỹ có các nhà sáng lập là người Pháp, cho biết. Đây là trung tâm của AI mã nguồn mở trực tuyến.

Tuy nhiên, không phải ai ở Paris cũng đồng ý với việc áp dụng phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng đối với việc quản lý AI.

“Điều tôi lo lắng là… sẽ có áp lực từ Mỹ và các nơi khác làm suy yếu Đạo luật AI của EU và làm yếu các biện pháp bảo vệ hiện có”, Brian Chen, giám đốc chính sách của Data & Society, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ nói.

Hội nghị thượng đỉnh AI tại Paris có sự tham dự của các lãnh đạo chính trị hàng đầu, bao gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc Zhang Guoqing, cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh, cũng như các giám đốc điều hành hàng đầu như CEO Alphabet, Sundar Pichai và Altman của OpenAI.

DeepSeek thay đổi định kiến về AI Trung Quốc như thế nào?DeepSeek của Trung Quốc cho thấy cuộc đua tranh ngôi vị dẫn đầu AI không còn là nước nào sở hữu chip tốt nhất, mà là nước nào biết cách tận dụng chip tốt nhất.