Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người là lời kêu gọi hành động mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người.
Đoàn Việt Nam tại phiên Hội đồng Nhân quyền thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người ngày 10/7. (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) |
Nhân dịp kết thúc Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva đã chia sẻ về những đóng góp của Việt Nam tại kỳ họp, trong đó có vai trò ‘chủ bút’ Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người.
Xin Đại sứ cho biết nội dung chính, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người lần này với chủ đề “đảm bảo quyền con người trong quá trình chuyển đổi công bằng”?
Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ ngày 19/6-12/7 đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào chủ đề đảm bảo quyền con người trong quá trình chuyển đổi công bằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nghị quyết được Nhóm nòng cốt gồm Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu và đến nay đã nhận được sự đồng bảo trợ của 70 nước.
Nghị quyết tái khẳng định biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực đến việc thụ hưởng các quyền con người như quyền sống, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh, cũng như quyền phát triển. Đặc biệt, những người dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật thường chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, nghị quyết kêu gọi các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu cần phải đặc biệt quan tâm đến những nhóm này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết thúc đẩy cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, toàn diện, bao trùm đối với các chính sách thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực hiện các chính sách đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững là công bằng, bình đẳng, bao trùm và bền vững, đồng thời không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này bao gồm việc tạo ra công ăn việc làm mới, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Nghị quyết còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế, đặc biệt trong việc hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong các sáng kiến thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, Nghị quyết thúc đẩy các nỗ lực quốc tế để giảm thiểu lượng phát thải toàn cầu và kêu gọi các nước đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu mới với tham vọng cao tại Hội nghị COP 29 sắp tới.
Việc Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết này là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế; nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và quyền con người, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi công bằng nền kinh tế; khuyến khích sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết định hướng chính sách và hành động của các quốc gia, đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững được thực hiện một cách công bằng và toàn diện, để tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, đều hưởng lợi từ quá trình này.
Thông qua việc giới thiệu và thúc đẩy nghị quyết này hàng năm từ năm 2008, Nhóm các nước nòng cốt gồm Việt Nam, Bangladesh và Philippines đã thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đối phó với thách thức toàn cầu này, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Xin Đại sứ chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt?
Nghị quyết năm nay do Việt Nam chủ trì và điều phối Nhóm nòng cốt để xây dựng, tổ chức thương lượng và thúc đẩy thông qua tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng ta đã xây dựng dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến của các nước trong Nhóm nòng cốt và hoàn thiện dự thảo.
Xuyên suốt khóa họp, Việt Nam đã chủ trì và tổ chức bốn phiên tham vấn không chính thức về dự thảo nghị quyết, với sự tham dự đông đảo của đại diện các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Đồng thời, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi song phương với các đối tác quan tâm đến vấn đề này, ở cả cấp Đại sứ và cấp chuyên gia.
Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Geneva phát biểu tại Phiên họp Hội đồng Nhân quyền LHQ. (Ảnh: Phái đoàn) |
Trong quá trình tham vấn, Nhóm nòng cốt đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo nghị quyết, thể hiện sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người nói chung, cũng như chủ đề về chuyển đổi công bằng lần này nói riêng. Chúng ta đã nỗ lực tối đa để phản ánh đầy đủ, sát thực nhất các quan tâm của các đối tác, đảm bảo dự thảo nghị quyết phản ánh một cách cân bằng quan điểm của các nước và tổ chức liên quan trong vấn đề chung này.
Những nỗ lực của Việt Nam và Nhóm nòng cốt đã được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua bằng đồng thuận, với 70 nước đồng bảo trợ, đã phản ánh rõ kết quả của những nỗ lực trên của Việt Nam trong vai trò chủ bút nghị quyết năm nay.
Cũng trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã thay mặt Nhóm nòng cốt phát biểu chung tại phiên thảo luận về chủ đề bảo đảm sinh kế bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu, nêu rõ các quan tâm và đề xuất của các nước thành viên Nhóm nòng cốt đối với vấn đề này.
Khóa họp lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khép lại, Đại sứ có thể khái quát những điểm nổi bật của kỳ họp lần này cũng như những đóng góp của Việt Nam?
Khóa họp thường kỳ lần thứ 56 của Hội đồng Nhân quyền đã xem xét và thông qua 25 nghị quyết, quyết định, trong đó có nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Bangladesh và Philippines đề xuất và thúc đẩy.
“Sự tham gia của Việt Nam tại Khóa họp phản ánh những nỗ lực và thành tựu của chúng ta trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung, cũng như trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng”. |
Khóa họp lần này của Hội đồng Nhân quyền thu hút sự tham dự đông đảo của đại diện các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Khóa họp gồm 5 phiên thảo luận chuyên đề, các phiên thảo luận và đối thoại với gần 40 Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền cùng các cơ chế nhân quyền của LHQ, và nhiều phiên tham vấn về các dự thảo nghị quyết.
Hội đồng Nhân quyền cũng đã thông qua Báo cáo UPR chu kỳ IV của 14 nước và bổ nhiệm nhân sự cho 3 Thủ tục đặc biệt. Các nội dung thảo luận, xem xét và thông qua tại Khóa họp đa dạng, bao gồm cả những nội dung mới lần đầu được đưa ra như vấn đề rác thải nhựa, mang thai ở trẻ vị thành niên, quyền con người của những người đi biển.
Mặc dù tại Hội đồng Nhân quyền vẫn còn một số khác biệt về quan điểm và cách tiếp cận giữa các quốc gia, đây vẫn là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Tại khóa họp lần này, đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong các thảo luận và phát biểu về nhiều vấn đề như quyền sức khỏe, quyền giáo dục, đói nghèo cùng cực, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, qua đó thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, chúng ta tích cực tham gia quá trình thương lượng, xem xét và thông qua các nghị quyết và quyết định của Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, chúng ta đã chủ trì và điều phối Nhóm nòng cốt để xây dựng, giới thiệu và thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề chuyển đổi công bằng, với sự tham gia đồng bảo trợ của 70 nước.
Sự tham gia của Việt Nam tại Khóa họp phản ánh những nỗ lực và thành tựu của chúng ta trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung, cũng như trong ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. Đồng thời, điều này góp phần triển khai chính sách đối ngoại chủ động, tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, trong vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-dong-nhan-quyen-thong-qua-nghi-quyet-viet-nam-lam-chu-but-thay-loi-muon-noi-279001.html