Từ lá ổi non, hai học sinh lớp 10 ủ chuyển hóa bằng enzym nội sinh và lên men latic, sấy khô rồi đóng gói thành trà túi lọc, là sản phẩm thị trường chưa có.
Đây là nghiên cứu của Trịnh Hoài Phương và Trương Lê Hoàng Nam, hai học sinh lớp 10A1, trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang. Dự án của cả hai mang tên “Nghiên cứu công nghệ sản xuất trà lá ổi lên men dành cho người béo phì, tiểu đường”.
Cô Đỗ Thị Trang, giáo viên hướng dẫn của Phương và Nam, cho biết đề tài được đánh giá cao vì hiện nay, thị trường chưa có sản phẩm trà lá ổi lên men. Đề tài sử dụng chủng lợi khuẩn lactic Lactobacillus brevis để lên men – cũng mới ở Việt Nam.
“Dự án có tính ứng dụng cao, đủ tiềm năng để áp dụng đại trà, mang lại hiệu quả kinh tế”, cô Trang nói.
Hoài Phương cho biết ý tưởng phát triển sản phẩm đến từ quan sát thực tế. Bắc Giang hiện có hơn 840 ha trồng ổi, là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, chỉ quả ổi được đưa vào tiêu thụ, còn lá bị bỏ đi.
“Em đã nghĩ thật tiếc khi lá ổi bị loại bỏ, nên tìm cách sử dụng nguồn nguyên liệu này”, Phương kể. Nữ sinh sau đó rủ bạn học Hoàng Nam cùng nghiên cứu.
Từ tháng 8/2023, khi bắt đầu tìm hiểu công dụng của lá ổi, Phương và Nam ngạc nhiên vì thấy lá có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt đối với người bị béo phì, tiểu đường.
Thành phần của lá ổi có tamin – chất có thể chống oxy hóa và kháng khuẩn, nhưng khiến lá ổi có vị chát. Những ngày đầu thực nghiệm, hai học sinh chỉ đơn thuần sấy khô và nghiền nhỏ lá ổi để làm trà. Do đó, trà có vị chát, dùng nhiều dễ gây táo bón, cản trở cơ thể hấp thu sắt.
Thách thức với Phương và Nam là vừa giữ lại chất tamin để đảm bảo công dụng của trà, song gia giảm làm sao để trà dễ uống hơn. Tìm hiểu các tài liệu và nghiên cứu nước ngoài, thấy rằng chủng vi khuẩn lactic có khả năng giảm lượng tamin trong thực vật, đồng thời tích lũy lượng tinh dầu tạo hương thơm đặc trưng, hai học sinh quyết định dùng vi khuẩn này để lên men lá ổi.
Do nghiên cứu liên quan đến vi sinh vật, trường không đủ thiết bị, Phương và Nam cùng cô Trang phải tới Hà Nội, mượn phòng thí nghiệm của Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công Thương, để thực hành. Chủng vi khuẩn được sử dụng là Lactobacillus brevis, có trong bộ sưu tập giống vi sinh vật của Viện. Những tháng cuối năm 2023, mỗi tuần cô trò tới Hà Nội 1-2 lần, đi lại trong ngày.
“Di chuyển cũng mệt, nhưng bọn em rất hào hứng vì ngoài được dùng cơ sở vật chất của Viện, nhóm còn nhận được nhiều lời khuyên của các bác, cô chú chuyên gia”, Nam kể.
Trong quá trình nghiên cứu, Nam thực hiện việc đo đạc, còn Phương quan sát, ghi lại số liệu. Nhiều phần kiến thức ngoài sách giáo khoa, như nội dung về chủng vi khuẩn, lên men thực vật, quy trình làm một số loại trà nổi tiếng…, Phương và Nam phải tự tìm thông tin trên các báo cáo khoa học, dài hàng chục trang viết bằng tiếng Anh.
Sau nhiều tuần thử nghiệm, Phương và Nam rút ra quy trình làm trà gồm các bước chính: Lá ổi sau khi làm sạch sẽ được nghiền, ủ chuyển hóa bằng enzym nội sinh và lên men latic. Bột lá sau đó được sấy khô, rồi đóng gói túi lọc. Lá ổi được sử dụng phải còn non, do thời gian lên men ngắn, có hương thơm hơn so với lá già.
“Thành phẩm trà lá ổi lên men có hương thơm đặc trưng, vị dễ uống, nước trà trong và màu đẹp”, hai học sinh cho biết. Sản phẩm được cả hai đưa đến tham gia cuộc thi Stemtation của hệ thống FPT school hồi tháng 1 và giành giải nhất.
Là giám khảo cuộc thi, TS Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ, Tập đoàn FPT, đánh giá các học sinh đã nghiên cứu, đào sâu đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tế.
“Dự án làm trà lá ổi lên men có tiềm năng phát triển xa hơn”, ông Trung nhận xét.
Thầy Đinh Đức Hiền, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang, cho rằng lên men để làm trà là phương pháp độc, lạ, bởi hiện nay thị trường Việt Nam có nhiều sản phẩm trà lá ổi, nhưng không áp dụng công nghệ này. Thầy Hiền hy vọng phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh sẽ được nhân rộng, bởi đây là cơ hội giúp các em học từ thực tế.
Gần nửa năm nghiên cứu, Nam thấy mình thay đổi rõ rệt, khả năng tập trung và kiên nhẫn tốt hơn hẳn trước kia. Còn Phương nhận xét bản thân chăm chỉ hơn. Nữ sinh vốn ít khi tìm tài liệu ngoài sách vở, nhưng việc tự tìm đọc tài liệu đã rèn cho em tính kiên trì và sự tự tin.
Ngoài tối ưu hóa quy trình lên men, hai học sinh dự kiến nghiên cứu làm trà trên quy mô xưởng sản xuất với các điều kiện gần với thực tế hơn, thay vì chỉ làm trong phòng thí nghiệm.
“Bọn em cũng định mang sản phẩm này dự cuộc thi Học sinh, Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV Startup) của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Nam cho biết.
Thanh Hằng