Phạm Thị Thảo Nguyên (20 tuổi, ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vừa trở thành tân sinh viên của lớp Thú y, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.
Hai năm trước, Thảo Nguyên tốt nghiệp THPT nhưng sau đó cô chọn đi làm thay vì học tiếp như các bạn cùng lớp. Trong khoảng thời gian sau tốt nghiệp, Nguyên trải qua nhiều công việc tự do, trong đó nơi cô làm việc lâu nhất là một spa chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn.
Chia sẻ về lý do chọn học nghề, Nguyên cho biết, sau 2 năm bươn chải ngoài xã hội, cô nhận ra, muốn có thu nhập ổn định, người lao động phải có tay nghề cao.
Từng bỏ tiền túi để học chăm sóc sắc đẹp nhưng Nguyên nhận thấy, phần lớn kỹ năng có được đều từ kinh nghiệm của người trong nghề. Khi kỹ năng nghề không tốt, công việc không mấy thuận lợi, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày nên Nguyên quyết định nghỉ việc đi học nghề.
“Dù muộn, nhưng tôi cho rằng đó vẫn là sự lựa chọn hợp lý trong thời điểm này. Tôi dự định học nghề để có kiến thức về chăm sóc động vật. Sau này có điều kiện, tôi sẽ mở cửa hàng cung cấp dịch vụ chăn nuôi và thú y tại xã của mình”, Nguyên tiết lộ về dự định.
Học nghề để giảm bớt gánh nặng cho gia đình
Thay vì cố gắng xét tuyển vào các trường THPT như trước đây, nhiều học sinh ở Đắk Nông sau khi tốt nghiệp THCS đã quyết định chọn học nghề. Thời gian theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em vừa có điều kiện học văn hóa, vừa được tiếp cận với những kiến thức nghề nghiệp.
Sùng Thị Gió (19 tuổi) cùng em gái là Sùng Thị Sùng (16 tuổi) ở bản Giang Châu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức vừa trở thành tân sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.
Gió và em gái cùng lựa chọn lớp thú y để theo học, với lý do 2 chị em sinh trưởng trong gia đình thuần nông, việc chăn nuôi vốn quen thuộc, thành thục.
Gió và Sùng là trẻ mồ côi. Gần 10 năm qua, 2 nữ sinh được cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16) nhận làm con nuôi.
Sau khi tốt nghiệp THCS, hai chị em cũng đắn đo trước sự lựa chọn học THPT hay học nghề. Sau cùng, cả Gió và Sùng đều chọn học Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.
Gió kể: “Ở ngay nơi hai chị tôi sinh sống, một trường THCS và THPT mới được xây dựng nên chúng tôi đã tính học tiếp THPT. Tuy nhiên, các chú bộ đội đều tư vấn chúng tôi chọn học nghề, bởi học nghề phù hợp với năng lực của 2 chị em. Đặc biệt, trong thời gian theo học tại trường, tôi vẫn có thể học thêm văn hóa”.
Cả Gió và Sùng đều là sinh viên dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài khoản sinh hoạt phí hàng tháng ở ký túc xá, cả hai được miễn học phí trong suốt quá trình học. Theo Gió, đó cũng chính là lý do cô lựa chọn học nghề, để giảm bớt gánh nặng kinh tế trên vai người chị đang ở quê nhà.
“Hiện chỉ có chị gái tôi đang đi làm nuôi 2 em, gánh nặng rất lớn. Vào trường nghề, chúng tôi không phải lo học phí và tiền thuê trọ hàng tháng. Sau khi tốt nghiệp, nếu muốn chúng tôi có thể tiếp tục học cao đẳng, đại học hoặc sử dụng tấm bằng nghề để đi xin việc làm. Ít nhất với kiến thức được học trong 3 năm, tôi có thể vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình”, Sùng Thị Gió chia sẻ.
“Khắc nghiệt” tuyển sinh lớp 10
Ba năm trở lại đây, tuyển sinh đầu cấp THPT trở thành đề tài nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, học sinh ở tỉnh Đắk Nông.
Nhiều người ví von, việc xét tuyển vào lớp 10 hiện nay còn khắc nghiệt hơn tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học, bởi chỉ tiêu hàng năm được giao cho các trường so với nhu cầu thực tế có sự chênh lệch lớn.
Chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường có hạn, đặc biệt là các trường nằm ở trung tâm huyện, thành phố đẩy tỷ lệ “chọi” lên cao.
Một số học sinh không trúng tuyển vào trường mình mong muốn đã lựa chọn nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường huyện. Thậm chí, có học sinh chấp nhận đi học tại trường THPT cách nhà đến gần 100km.