Hoàng thành Thăng Long được đánh giá là một trong những hình mẫu về bảo tồn di tích tại Việt Nam, hài hòa mối quan hệ bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Cách đây tròn 10 năm, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản thứ 900 của thế giới. Nhiều kinh nghiệm quý trong bảo tồn phát huy giá trị di sản này đã được tích lũy trong những năm qua.
Đến năm 2019, khoảng 50.000 m2 của khu di tích Trung tâm Hoàng thành đã được khai quật, phát lộ hệ thống di tích, di vật dày đặc và đáng kinh ngạc từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, minh chứng cho một trung tâm quyền lực tối cao của đất nước suốt hơn 1.000 năm lịch sử.
Ảnh: Dân trí
Hoàng thành Thăng Long là khu di sản duy nhất trong cả nước có một Hội đồng Tư vấn khoa học mà thành viên đều là các chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Di sản quốc gia, cho ý kiến về mọi quyết định liên quan đến di sản. Nhờ vậy, Hoàng thành Thăng Long được đánh giá là điểm sáng nổi bật nhất trong số di sản thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam.
“Bản thân giá trị lịch sử của Hoàng thành đã rất đặc biệt so với các di tích khác như Thành nhà Hồ hay Cố đô Huế và phải nói rằng, Hoàng thành đã cân bằng được giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích” – ông Emmanuel Cerise, đại diện vùng Paris (Pháp) tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, không phải không còn những trăn trở. Việc phục dựng tòa Chính điện Kính Thiên được coi là huyệt điểm “tàng phong tụ khí”, quan trọng bậc nhất trong khu trung tâm di tích đã được UBND thành phố Hà Nội đưa ra cách đây nhiều năm vẫn chưa được triển khai vì nhiều lý do
Những năm gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã tăng sức hấp dẫn đáng kể cho Hoàng thành. Năm 2019 đã đạt hơn 500.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 100.000 học sinh tham quan, học tập. Hoàng thành Thăng Long ngày càng khẳng định vị trí là điểm đến an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô.
Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/hoang-thanh-thang-long-la-hinh-mau-ve-bao-ton-di-tich-tai-viet-nam-20201124080401374.htm