Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết sẽ nghiên cứu, tham mưu xây dựng nghị quyết HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc vừa có văn bản yêu cầu thực hiện Thông tư số 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, từ ngày 14.2, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng học sinh, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 đảm bảo hiệu quả.
![Hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường - Ảnh 1. Hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Ho-tro-kinh-phi-to-chuc-day-them-trong-nha.jpg)
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc sẽ tham mưu xây dựng nghị quyết HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường
ẢNH: SỞ GD-ĐT VĨNH PHÚC
Bổ sung các giải pháp tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 theo năng lực, bảo đảm đúng quy định tại Thông tư 29 (không thu tiền, đúng thời lượng, đủ hồ sơ)…
Phân công giáo viên dạy bảo đảm ở mức tối đa tiết dạy theo định mức tiêu chuẩn, bố trí những giáo viên có năng lực tốt dạy các lớp cuối cấp và ôn thi tốt nghiệp, tuyển sinh.
Hiệu trưởng các nhà trường động viên, khuyến khích giáo viên xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh để giúp đỡ học sinh ôn tập, quản lý học sinh ngoài giờ học, củng cố kiến thức, đồng thời chủ động cân đối nguồn ngân sách đã được cấp, điều chỉnh bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu, tham mưu xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho 3 đối tượng học sinh theo quy định tại Thông tư 29; bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm…
Bộ GD-ĐT cũng có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định mới về dạy thêm, học thêm và nhấn mạnh: “Tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết ông hoàn toàn ủng hộ các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm và quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm tại Thông tư 29.
Riêng với quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng, việc dạy thêm không thu tiền của học sinh là đúng, nhưng phải có tiền chi trả thù lao, bồi dưỡng cho giáo viên. Lấy từ nguồn nào thì tỉnh, thành phố phải cân đối và quy định cụ thể.
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2, quy định có 3 đối tượng được học thêm trong nhà trường, là những học sinh thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ho-tro-kinh-phi-to-chuc-day-them-trong-nha-truong-185250213154856121.htm