Từng thi trượt Äại há»c, sau Äó thi lại lần 2, bá» há»c giữa chừng rá»i thi lần 3… Linh chÆ°a từng nghÄ© có ngà y chạm tay tá»i ngôi trÆ°á»ng hà ng Äầu thế giá»i.
Trịnh Phạm Hải Linh (34 tuổi) vừa quay về Việt Nam sau khoảng thời gian công tác tại Sở Công nghệ và Đổi mới, Văn phòng Thị trưởng thành phố Boston (Mỹ). Cô từng theo học bậc cử nhân ở Anh, tốt nghiệp thạc sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Với profile ấn tượng, Linh khiến nhiều người ngỡ ngàng khi có hành trình “đầy chông gai” trước khi tới MIT.
Linh vốn là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Tốt nghiệp THPT, nữ sinh đăng ký vào ngành Nội thất của trường Đại học Kiến trúc theo định hướng của gia đình và do yêu thích vẽ, nhưng thi trượt năm 2008.
Mang tâm lý mặc cảm là “kẻ thất bại” vì nằm trong nhóm học sinh ít ỏi của trường trượt đại học, Linh lặng lẽ đăng ký một khóa học nghề, lảng tránh câu hỏi “đỗ trường nào” từ những người xung quanh. Cứ thế, cô học thiết kế đồ họa 3 buổi tối mỗi tuần, ban ngày đi học vẽ để thi lại vào trường Kiến trúc.
“Điều duy nhất giúp tôi vượt qua giai đoạn này chính là quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Sau một năm, tôi đã thi đỗ trường Đại học Kiến trúc TP.HCM”, Linh nhớ lại.
![Trịnh Phạm Hải Linh trong ngày tốt nghiệp thạc sĩ (Ảnh: NVCC)](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Hanh-trinh-tu-truot-dai-hoc-den-cham-tay-toi.png)
Trịnh Phạm Hải Linh trong ngày tốt nghiệp thạc sĩ (Ảnh: NVCC)
Mặc dù đỗ vào ngôi trường yêu thích, Linh dần nhận ra ngành học này không phù hợp với mình. Đến năm 2, cô bắt đầu nghi ngờ về tương lai nghề nghiệp. Cũng thời điểm này, tình cờ Linh tham gia một hội thảo do khoa Quy hoạch và trường Đại học Hamburg (Đức) liên kết tổ chức.
Nhờ vốn tiếng Anh tốt, Linh được các sinh viên người Đức xin giáo sư cho tham gia vào dự án chung. Tò mò và hứng thú, Linh tập trung nghiên cứu. Kết quả, giáo sư rất ấn tượng với nghiên cứu của nhóm Linh, và khuyên cô nên chuyển sang ngành Quy hoạch. Ông hứa sẽ viết thư giới thiệu nếu cô có ý định du học.
Thời gian còn lại của học kỳ 2 năm thứ 2, Linh dự thính các lớp liên quan đến quy hoạch và thiết kế đô thị ở trường và quyết định đổi ngành. Tuy nhiên khi ấy, Linh không có con đường nào khác ngoài việc phải thi lại đại học. Nhớ đến lời hứa từ vị giáo sư người Đức, Linh bắt đầu nghĩ tới việc du học và mạnh dạn nhờ ông viết thư giới thiệu.
Cô tự tìm hiểu thông tin về chương trình học ở các trường đại học trên thế giới. Nhận thức rõ về khả năng tài chính của gia đình, nữ sinh Việt ưu tiên tìm kiếm các trường học phí thấp, có học bổng hỗ trợ.
“Đối với một người chưa từng đi quá 500km khỏi TP.HCM, việc bỏ học để bắt đầu lại ở một đất nước xa lạ với tài chính eo hẹp là quyết định vô cùng liều lĩnh. Nhưng với tôi khi ấy, mục tiêu lớn và rõ hơn rất nhiều so với những khó khăn có thể gặp phải”, Linh nhớ lại.
Linh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Đại học Oxford Brookes (Anh) với học bổng 50%. Chứng kiến sự nỗ lực và nghiêm túc của Linh, gia đình, họ hàng đồng ý cho cô vay 600 triệu làm chi phí học hành trong 4 năm. 4 năm ở Anh là quãng thời gian cô gái Việt đánh giá “gian nan nhất cuộc đời mình”.
“Tôi đã trải qua nhiều công việc làm thêm để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt như phục vụ nhà hàng, đại sứ sinh viên ở trường, thư ký của khoa, trực đêm ở ký túc xá, gia sự dạy đồ họa… Đến mùa hè, tôi xin đi lau dọn ký túc xá, dẫn tour du lịch ở Oxford. Từ năm thứ 3, tôi vừa học vừa làm 4 việc một lúc. Có giai đoạn, tôi bị trầm cảm và bị lao phổi, tưởng chừng mình không thể vượt qua những áp lực”, Linh nhớ lại
Bằng sự nỗ lực, cô gái Việt đã giành trái ngọt là tấm bằng cử nhân danh dự loại ưu cùng giải thưởng Sinh viên xuất sắc nhất ngành Quy hoạch do Hội Quy hoạch Hoàng gia Anh trao tặng.
![Từng thi trượt đại học, sau đó thi lại lần 2, bỏ học giữa chừng rồi thi lần 3... Linh chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ chạm tay được tới MIT. (Ảnh: NVCC)](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739331608_115_Hanh-trinh-tu-truot-dai-hoc-den-cham-tay-toi.jpg)
Từng thi trượt đại học, sau đó thi lại lần 2, bỏ học giữa chừng rồi thi lần 3… Linh chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ chạm tay được tới MIT. (Ảnh: NVCC)
Sau khi tốt nghiệp, Linh vẫn nuôi hy vọng được du ngoạn thế giới. Cô quyết định học lên thạc sĩ và đặt mục tiêu giành học bổng toàn phần ở một ngôi trường top 10 thế giới.
“Mục tiêu này nghe có vẻ xa vời, nhưng tôi đã mơ đến MIT hay Harvard sau khi nghe một người quen nói rằng “Harvard và MIT không so sánh cào bằng giữa bạn với các ứng viên khác ở Mỹ mà sẽ đánh giá những ảnh hưởng bạn tạo ra trong môi trường của mình”, Linh nhớ lại.
Trong suốt 5 năm 2016-2021, cô gái Việt kiên trì nộp hồ sơ ở nhiều ngôi trường, và không ít lần bị từ chối khi xin học bổng. Dẫu buồn và rất tuyệt vọng, cô vẫn động viên bản thân cố gắng thêm lần nữa. Lần này, Fulbright đã mỉm cười với Linh.
Sau khi đỗ học bổng Fulbright, năm 2021, Linh tự tin nộp đơn vào một số trường top đầu. Vào một ngày tháng 3/2022, Linh nhận được tin từ giáo sư ở MIT, thông báo mình đã trúng tuyển.
Vỡ òa khi nhận được cái “gật đầu” từ ngôi trường hàng đầu thế giới, Linh cho rằng có thể bản thân đã trả lời được câu hỏi quan trọng: “Việc học ở MIT sẽ giúp bạn nâng tầm những tác động tích cực mình đang tạo ra như thế nào?”.
“Đây là một trong những câu hỏi rất quan trọng giúp hội đồng tuyển sinh đưa ra quyết định sẽ chọn ai trong số hàng nghìn bộ hồ sơ xuất sắc gửi về trên toàn thế giới”, Linh nói. MIT cũng là sự lựa chọn cuối cùng của Linh sau khi đỗ rất nhiều trường khác như Đại học Cambridge, Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, Đại học Nam California,…
Quãng thời gian học tập tại MIT đã trang bị cho cô kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề. “Sinh viên được khuyến khích thử nghiệm nhiều ý tưởng khác nhau vì đó là cách tốt nhất để loại trừ giải pháp sai và đến gần hơn với giải pháp đúng. Ở MIT, khi bạn thất bại nghĩa là bạn đã học thêm được một điều mới, còn nếu bạn thành công ngay từ lần đầu tiên, đó có thể chỉ là do may mắn”, Linh nói.
Tháng 5/2024, Linh tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại MIT. Sau đó, cô làm việc tại Sở Công nghệ và Đổi mới của thành phố Boston trước khi quyết định về Việt Nam lập nghiệp.
Hiện tại, Linh tham gia nghiên cứu về vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ngoài ra, cô đang xây dựng một dự án khởi nghiệp sáng tạo liên quan đến xuất khẩu văn hóa phi vật thể của Việt Nam ra thế giới.
Mất 8 năm để có bằng đại học, thêm 5 năm và hàng chục lần xin học bổng thất bại trước khi chạm tay tới MIT hay Harvard, Linh cho rằng chiến lược mấu chốt của bản thân là tin vào chính mình và không bỏ cuộc.
“Chỉ bản thân mới biết mình muốn gì và làm thế nào để chinh phục điều đó. Vì thế, hãy cứ nỗ lực và có khát vọng lớn, chắc chắn sẽ có lúc mình chạm tay được đến ước mơ”, Linh chia sẻ.
Nguồn: https://vtcnews.vn/hanh-trinh-tu-truot-dai-hoc-den-cham-tay-toi-harvard-cua-nu-sinh-viet-ar925231.html