Mới đây, ngày 13/1, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, yêu cầu trước hết phải thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đây có thể coi là “chìa khóa vàng” vượt bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP
Tham gia theo dõi Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Mai bày tỏ tâm đắc với phát biểu chỉ đạo, định hướng quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, lần đầu tiên lĩnh vực khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đối số được đặt ở vị trí hàng đầu, tạo nền tảng và nhiều điều kiện thuận lợi liên quan để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ, phát huy tài năng, trí tuệ, đam mê.
Nữ Phó Giáo sư trẻ cho biết, pháp luật hiện hành có 4 Luật về khoa học, công nghệ, 8 luật liên quan trực tiếp đến chuyển đổi số cùng rất nhiều luật, nghị định, thông tư khác liên quan… tạo nên một tổng hòa với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ngoài ra, việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trước đó cũng đồng thời mở ra một hành lang thông thoáng, thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với khối doanh nghiệp. Nhờ đó, khoa học công nghệ sẽ có cơ hội nhận được nhiều nguồn lực đầu tư hiệu quả, trở thành “bệ phóng” cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ theo cơ chế quỹ.
Cùng với những kỳ vọng trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Mai cũng bày tỏ mong muốn cơ chế “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo” sẽ mở ra những cơ hội rõ ràng, cụ thể để “cởi trói” nút thắt tài chính trong công tác nghiên cứu. Bởi từ trước đến nay, không ít nhà khoa học thường e ngại hoặc không thể theo đuổi đến cùng mục tiêu, vì thực tế nghiên cứu vốn là hoạt động sáng tạo, đi tìm cái mới, cái chưa có, không thể chắc chắn thành công.
Ít người biết rằng, Ngọc Mai rất thích, thậm chí đam mê viết sách. Bên cạnh những tác phẩm học thuật mà bản thân là tác giả, đồng tác giả như “Tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP đến ngành dệt may Việt Nam”, “Tín dụng thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu”…, nữ Phó Giáo sư trẻ hiện đang gấp rút hoàn thiện một cuốn sách chiêm nghiệm lại toàn bộ quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu và chinh phục tri thức như một món quà nhỏ, góp phần lan tỏa những giá trị tích cực cho thanh niên, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học. Được biết, hiện tại cuốn sách nêu trên sẽ được xuất bản vào ngày 8/3 tới đây, đúng dịp sinh nhật của cả Ngọc Mai và con gái đầu lòng.
Nguồn: https://nhandan.vn/hanh-trinh-chinh-phuc-tri-thuc-cua-nu-pho-giao-su-tre-nhat-viet-nam-nam-2024-post857776.html