Ung thư da do đi nắng không che chắn
Ông T.H.V. (81 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) thường hoạt động ngoài trời, trồng cây, đi bộ… nhưng ít che chắn, đội nón. 2 tháng nay, vùng sau tai phải của ông xuất hiện nốt sần sùi, không lành. Con gái thấy bất thường nên đưa ông đến Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
![hang tram benh nhan bi ung thu da do di nang khong che chan hinh 1](https://www.vietnam.vn/wp-content/uploads/2023/11/Hang-tram-benh-nhan-bi-ung-thu-da-do-di.jpg)
Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. (Ảnh do bệnh viện cung cấp).
Bác sĩ CKI Lê Thanh Tuấn kiểm tra, nhận thấy sau tai phải có đến 3 nốt bất thường, trong đó có 1 nốt sần sùi, sượng cứng khoảng 1cm và 2 nốt 0.5cm kèm theo ở bên dưới, nghĩ nhiều đến ung thư da. Sau khi kiểm tra, người bệnh ghi nhận mắc ung thư biểu mô tế bào đáy (Carcinoma tế bào đáy).
Chỉ trong 30 phút, phẫu thuật hoàn thành, ông V. được đưa trở lại phòng nội trú, theo dõi sức khỏe và xuất viện trong vòng 4 tiếng, không cần xạ trị, hóa trị sau đó. Bác sĩ Tuấn chia sẻ nếu để lâu, tổn thương có thể sẽ lan khắp vùng đầu cổ, xâm lấn các cấu trúc xung quanh như tai, xương, tuyến mang tai…
3 tháng nay, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận hàng trăm người bệnh bị ung thư da. Người bệnh chủ yếu trên 60 tuổi do đi nắng không che chắn. Mới đây, các bác sĩ Đơn vị Đầu Mặt Cổ cũng điều trị thành công cho bà M.V.H. (82 tuổi, TP.Hồ Chí Minh) bị ung thư da do cũng thường ra nắng nhưng ít khi đội mũ, che chắn kỹ. Khối ung thư da xuất hiện ở vùng thái dương bên phải, vùng má, vùng môi.
![hang tram benh nhan bi ung thu da do di nang khong che chan hinh 2](https://www.vietnam.vn/wp-content/uploads/2023/11/1700105285_512_Hang-tram-benh-nhan-bi-ung-thu-da-do-di.jpg)
Bà H. bị ung thư da do cũng thường ra nắng nhưng ít khi đội mũ, che chắn kỹ. (Ảnh do bệnh viện cung cấp).
Riêng khối u vùng thái dương có màu nâu nhạt, sần sùi, ngứa, rỉ máu, đường kính khoảng 1.5cm. Vị trí ung thư ở vùng mặt nên phẫu thuật viên cần lấy vừa đủ rộng và sâu, tránh chạm đến mạch máu, loại bỏ sang thương và tạo hình lại khuyết hổng đảm bảo thẩm mỹ.
Ung thư da tăng mạnh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có 2-3 triệu ca ung thư da không phải u hắc tố ác tính (ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy) và 132.000 ca u hắc tố ác tính.
Ung thư biểu mô tế bào đáy – chiếm khoảng 70 – 80% các trường hợp ung thư da; ung thư biểu mô tế bào vảy đứng thứ 2 về số lượng các trường hợp ung thư da, chiếm khoảng 20%. 2 loại ung thư này xuất hiện và phát triển ở vùng da đầu, mặt và cổ.
Ung thư hắc tố ác tính nguy hiểm nhất trong ba loại ung thư da, xâm lấn sâu, tiến triển nhanh, di căn sang các bộ phận khác. Loại ung thư này tiến triển từ nốt ruồi, bớt hắc tố, u hắc tố (đồi mồi)…
Theo WHO, khi bầu khí quyển ngày càng mất đi chức năng lọc và bảo vệ, bức xạ tia cực tím từ mặt trời đến bề mặt trái đất ngày càng nhiều, bệnh ung thư da sẽ càng tăng mạnh hơn. Ước tính, nồng độ ozone giảm 10% sẽ có thêm khoảng 300.000 trường hợp ung thư da không hắc tố và 4.500 trường hợp ung thư da hắc tố.
Điều may mắn là ung thư da là một trong số ít loại ung thư có khả năng chữa khỏi cao nhất. Với ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy, tiến triển chậm và hiếm khi di căn nên điều trị chủ yếu cắt bỏ mô ung thư, cắt rộng mô lân cận đúng mức và tạo hình. Với ung thư hắc tố ác tính, nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là khoảng 99% ở giai đoạn 1. Nếu không được phát hiện sớm, ung thư hắc tố ác tính lan rộng bên dưới bề mặt da và khó loại bỏ hơn.
Ung thư da có nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm phóng xạ, bệnh viêm da mạn tính, phơi nhiễm asen, yếu tố gia đình, hút thuốc lá, bệnh bạch tạng, nhiễm HPV… và đặc biệt tiếp xúc thường xuyên với tia UV (tia cực tím) từ ánh nắng mặt trời, lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Nhận biết sớm về dấu hiệu ung thư da sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị tốt hơn.
Với ung thư biểu mô tế bào đáy, có các dấu hiệu: u nhỏ, vết loét, vết sạm màu nâu nhạt, màu hồng hoặc đỏ… có thể chảy máu sau chấn thương nhẹ. Với ung thư biểu mô tế bào vảy, da người bệnh có vết màu đỏ hoặc nâu nhạt trên da, có bề mặt thô, vẩy hoặc vỏ bọc…
Với ung thư tế bào hắc tố, biểu hiện là nốt ruồi có bờ không rõ ràng, màu sắc lạ, ngứa, sưng đỏ, kích thước lớn dần, không đối xứng… Bác sĩ Tuấn khuyên mọi người khi có các dấu hiệu trên nên đi khám chuyên khoa để được điều trị phù hợp. Đặc biệt, con cháu chú ý tới cha mẹ, ông bà lớn tuổi thường ngại đi khám bệnh.
Lê Trang