Ngày 17/5, trạm khí tượng Hà Đông ghi nhận nhiệt độ 41,3 độ C, cao nhất trong tháng 5 của lịch sử hơn 30 năm hoạt động.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết trong bốn trạm còn lại của Hà Nội chỉ có Hoài Đức 39 độ C. Trạm Láng 41 độ C, trạm Ba Vì và Sơn Tây đều trên 40 độ C. Nhiệt độ cảm nhận ngoài trời có thể cao hơn 2-4 độ C.
Cùng có mức nhiệt trên 40 độ C ở miền Bắc là trạm Lạc Sơn và TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Việt Trì (Phú Thọ), Phủ Lý (Hà Nam). Ngoài ra, có 8 tỉnh trên 39 độ C. Ở miền Trung, các huyện Hồi Xuân, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Tây Hiếu, Đô Lương (Nghệ An) trên 40 độ C.
Nguyên nhân của đợt nắng nóng là do vùng thấp nóng phía tây phát triển mở rộng kết hợp với hiệu ứng phơn.
Cơ quan khí tượng dự báo, ngày mai miền Bắc tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt với diện rộng hơn, nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Sang ngày 19/5, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, độ ẩm 45-60%.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp 35-45%.
Dự báo nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài tới ngày 23/5.
Nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn dẫn tới nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nắng nóng còn có thể làm cơ thể người mất nước, kiệt sức; đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.